Frank Snepp và “Decent Interval”

Huỳnh Duy Lộc

0 2,292

Frank Snepp sinh ngày 3 tháng 5 năm 1943 tại Kinston, bang North Carolina của Mỹ, sau khi học xong trung học đã vào Đại học Columbia học Văn chương Anh và có bằng cử nhân vào năm 1965. Sau một năm làm việc cho hãng tin CBS News, anh trở về Đại học Columbia, học cao học ở Trường Quan hệ quốc tế và chính sách công School of International and Public Affairs và tốt nghiệp năm 1968. Năm 1968, Philip Mosely, phó khoa trưởng School of International and Public Affairs, đã giúp Cục Tình báo Trung ương CIA tuyển dụng anh. Anh được phái sang châu Âu, trở thành chuyên gia phân tích các vấn đề của NATO và an ninh ở châu Âu, nhưng chỉ một năm sau được phái sang Việt Nam, làm chuyên gia phản gián và phân tích tình báo ở Đại sứ quán Mỹ tại Saigon.

Anh được giao nhiệm vụ hỏi cung những tù binh Cộng sản và thu thập tin tức tình báo vào thời kỳ cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chuyển sang một bước ngoặt sau những ngày Tết Mậu Thân 1968. Sau khi trở về Mỹ vào năm 1971 làm việc trong Vietnam Task Force ở tổng hành dinh của CIA, anh trở lại Việt Nam vào tháng 10 năm 1972, tiếp tục làm chuyên gia phân tích tình báo cho tới tháng 4 năm 1975, là một trong những người Mỹ cuối cùng lên máy bay trực thăng di tản khỏi Đại sứ quán Mỹ tại Saigon.

Trở về Mỹ, vào tháng 12 năm 1975, anh được tặng thưởng huy chương vì có công lao trong ngành tình báo, nhưng đến tháng 1 năm 1976, anh nghỉ việc ở CIA, cáo buộc giới lãnh đạo của CIA đã không thừa nhận những sai lầm của họ ở Việt Nam và cáo buộc Chính phủ Mỹ đã bỏ mặc số phận của nhiều người Việt đã từng hợp tác hay có mối liên hệ với người Mỹ, trong đó có người vợ Việt và đứa con nhỏ của anh đã tự sát khi anh không thể đến cứu vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975.

Năm 1977, anh cho in cuốn sách “Decent Interval” (Khoảng cách chấp nhận được) anh viết suốt 18 tháng dựa theo một bản báo cáo anh đã gởi cho CIA nhưng không được chấp nhận. Theo lời anh, “tôi đặt tựa cho cuốn sách mình viết là “Decent Interval” (Khoảng cách chấp nhận được) để nhắc đến sự kiện năm 1972, khi Kissinger đàm phán hòa bình, dẫn đến việc ngừng bắn, điều duy nhất ông ta quan tâm là đưa Hoa Kỳ ra khỏi cuộc chiến, thoát khỏi vũng lầy xấu hổ. Kissinger muốn phải có một khoảng thời gian coi được giữa việc rút quân của Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam và chiến thắng tất yếu sẽ đến của những người Cộng sản, để Hoa Kỳ không bị đổ lỗi cho việc thất trận. Khi Kissinger gặp Chu Ân Lai năm 1971 để sắp xếp cho chuyến công du bí mật của Nixon đến Trung Quốc, ông ta nói với Bắc Kinh rằng “nếu có ngừng bắn ở Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ không tái can thiệp quân sự, và chỉ cần có một khoảng thời gian hợp lý giữa cuộc ngừng bắn cho đến lúc Hoa Kỳ rút quân, và chúng tôi sẽ không quan tâm nếu đồng minh Bắc Việt của quý vị tấn công Nam Việt Nam, miễn là họ không tấn công ngay sau khi chúng tôi rút đi”. Đó là khởi đầu của lý thuyết “Khoảng cách chấp nhận được” (Decent Interval).

Sau khi cuốn sách ra mắt, Giám đốc CIA lúc ấy là Stansfield Turner đã kiện anh ra tòa về tội không tôn trọng cam kết không tiết lộ những bí mật của CIA trong thời gian công tác. Tổng thống Jimmy Carter cũng đứng về phía Giám đốc CIA, cáo buộc anh đã tiết lộ “những bí mật của quốc gia”. Phiên tòa thượng thẩm vào năm 1980 đã xử Stansfield Turner thắng kiện, toàn bộ tiền tác quyền cuốn sách “Decent Interval” là 300.000 đô la phải chuyển hết cho CIA.

Sau năm 1980, anh viết cho các báo như The New York Times, The Washington Post, Village Voice và thực hiện các chương trình truyền hình như World News Tonight (1987–1992) cho đài ABC và các chương trình cho đài CBS (2003–2005) và đài NBC. Đến cuối thập niên 1980, anh dạy môn báo chí ở Đại học California và năm 2001 cho in cuốn sách “Irreparable Harm” (Sự tồn hại không thể cứu vãn) kể về cuộc chiến pháp lý với CIA.

Trong Lời nói đầu của ấn bản năm 2002, ấn bản kỷ niệm 25 năm ngày “Decent interval” ra mắt lần đầu, Gloria Emerson, nhà báo nữ từng sang Việt Nam 2 lần (năm 1967 và năm 1970) để viết bài cho báo Times và The New York Times, đã nói về tác phẩm này của Frank Snepp: “Những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam vào tháng 4 năm 1975 là một thảm họa, khi sự điên rồ của giấc mơ Mỹ về nước Việt Nam của “người Mỹ chúng ta” cũng kết thúc. Những trang sách này là lời tường thuật đầy đủ nhất về điều sai lầm khủng khiếp nhất đã xảy ra và giải thích vì sao hàng ngàn người Việt đã từng làm việc cho người Mỹ đã bị phản bội và bị bỏ lại.

Graham Martin, đại sứ Mỹ tại Saigon, tin rằng điều có thể gây ra một cuộc tấn công dữ dội nhắm vào người Mỹ là một cố gắng bất ngờ để di tản. Vì vậy, ông cứ mãi do dự. Các bức điện cứ qua lại không ngớt giữa Washington và Saigon. Vị đại sứ Mỹ, chỉ huy bộ phận CIA Thomas Polgar và cố vấn An ninh quốc gia Henry Kissinger tin rằng họ có đủ thời gian để sắp xếp mọi việc, thương thảo với Chính phủ Bắc Việt, mà chậm hiểu ra rằng tất cả đều vô ích. 2 tuần trước khi quân đội của Hà Nội chiếm được Saigon mà không gặp sự kháng cự nào, một nhân viên CIA trẻ tên Frank Snepp, chuyên gia phân tích tình báo hàng đầu ở Việt Nam, đã gặp một điệp viên mang vỏ bọc, một trong những điệp viên tài giỏi nhất.

Điệp viên người Việt cung cấp cho Frank Snepp những tin tức anh sợ nhất: miền Bắc sẽ chiến đấu cho tới khi giành thắng lợi hoàn toàn và sẽ không có những cuộc thương thuyết và chính phủ liên hiệp. Polgar vẫn không tin và gạt phăng lời cảnh báo của Frank Snepp. Cuối cùng, chúng ta đã biết những điều khủng khiếp nào đã xảy ra và vì sao lại như vậy qua cuốn sách ‘Decent interval’ của Frank Snepp.

Ngay cả những người chỉ trích mạnh mẽ nhất cuộc chiến tranh Việt Nam cũng không tưởng tượng nổi những điều Frank Snepp tiết lộ với tư cách là người trong cuộc. Những người Mỹ đang có quyền hành như đại sứ Martin và Polgar đã bị mê hoặc bởi ý tưởng đàm phán đang được thực hiện, đã không thể nào chấp nhận những điều Frank Snepp nói với họ. Sợ hãi và thất vọng cay đắng, Frank Snepp thử báo cáo nhanh với các nhà báo Mỹ về điều sắp sửa xảy ra, với hy vọng giới chức ở Washington sẽ lưu ý tới những bài báo của họ, thế nhưng chẳng có nhà báo Mỹ nào kể lại những điều anh đã nói với họ. Một vài nhà báo còn tranh cãi với anh, nói rằng họ có những nguồn tin tốt hơn… Bob Loomis, biên tập viên ở nhà xuất bản Random House sửa chữa trong vòng bí mật bản thảo của Frank Snepp, đã nói về cuốn sách này: “Tác phẩm này là một cột mốc đáng ghi nhớ. Tôi cho rằng nó nói về cuộc tháo chạy với sự độc đáo chưa từng thấy. Nó xát muối vào vết thương theo cách thức tốt nhất”.

Frank Snepp đã giới thiệu tác phẩm “Decent interval” của anh:

“Ngày 29 tháng 4 năm 1975, di tản khỏi Saigon. Mỗi người tự lo cho chính mình; hàng ngàn người Việt kinh hoảng, níu lấy những cánh cổng của Đại sứ quán Mỹ, van xin đừng bỏ họ lại khi những người Mỹ ra đi. Nếu có mặt ở đó ngày hôm ấy, bạn sẽ thấy giống như một đám tang trong đó tất cả những kẻ than khóc chiến đấu với nhau để tránh bị bỏ rơi bên huyệt mộ. Tôi là một trong những kẻ than khóc ấy: một nhân viên CIA và là chuyên gia phân tích tin tình báo chính ở Saigon. Tôi đã ở Việt Nam 5 năm rưỡi khi mọi sự kết thúc. Đó là một trong những thời khắc đáng hổ thẹn nhất tôi từng trải qua. Nguyên do khiến mọi chuyện kết thúc như vậy lại đúng như mong ước của nhiều viên chức người Mỹ. Rất ít người Mỹ chịu thừa nhận rằng nước Mỹ đã thua trận. Vì vậy, chúng tôi đã chờ đợi khá lâu để lên kế hoạch di tản.

Kết cuộc đã khởi đầu 2 năm về trước với hiệp định ngừng bắn do cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Henry Kissinger dàn xếp được. Hiệp định này giúp cho người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, nhưng lại để cho 140.000 binh lính Bắc Việt ở lại miền Nam. Họ sẽ không rút đi vì chúng ta đã không đánh thắng họ. Và giờ đây, họ lại uy hiếp Chính quyền Saigon, một chính quyền tham nhũng, không hiệu quả và đầy rẫy điệp viên của miền Bắc, có lẽ có tới 1.400 người theo những nguồn tin tình báo. Một chính quyền mong manh và dễ sụp đổ chẳng khác gì một miếng phô mai của Thụy Sĩ. Năm đầu tiên của “cuộc-chiến-sau-khi-ngừng-bắn”, Quốc hội Mỹ đã gây nhiều khó khăn cho đồng minh của chúng ta khi ngưng việc ném bom ở Đông Dương và một năm sau đó, Tổng thống Nixon từ chức vì vụ Watergate. Biến cố này đã khích lệ những người Cộng sản. Họ coi Tổng thống Nixon như một gã điên có những hành động không thể lường trước được luôn làm cho họ kinh hãi. Với việc Nixon từ chức, con đường tiến về Saigon đã mở rộng trước mắt họ.

Đầu năm 1975, họ bắt đầu đánh chiếm những vùng đất gần thủ đô Saigon để thăm dò phản ứng của người Mỹ và đánh giá mức độ kiên định của Chính quyền Saigon. Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu kinh hoảng và giữa tháng 3 năm 1975, chẳng báo với một ai ở Đại sứ quán Mỹ, ra lệnh rút quân khỏi 2 vùng then chốt là các tỉnh phía Bắc của miền Nam và cao nguyên Trung phần. Cuộc rút lui – nhằm mục đích bảo toàn lực lượng thiện chiến nhất và giúp ông đủ sức chống lại những kẻ mưu toan lật đổ ông – đã nhanh chóng trở thành một cuộc tháo chạy hỗn loạn vì những thường dân kinh hãi đã cùng di tản với những người lính. Trong hai tuần sau đó, quân Bắc Việt đuổi theo họ đã cắt miền Nam ra làm đôi và vô hiệu hóa phân nửa quân đội Saigon. Đại sứ Graham Martin không thể tin nổi những chuyện đã xảy ra. Ông là một chiến sĩ thời Chiến tranh lạnh theo kiểu cũ. Ông đã mất một người con trai ở Việt Nam và không bao giờ muốn Saigon rơi vào tay những người Cộng sản.

Đầu tháng 4, một tháng trước khi chế độ Saigon sụp đổ, tôi báo cáo với đại sứ Martin, người đã từ lâu coi tôi như một người thân tín, về sự tan rã của quân đội chính phủ. Ông lại không tin lời tôi, quả quyết rằng Saigon vẫn còn một cơ may. Trong 4 tuần lễ sau đó, ông vẫn vững tin và thuyết phục nhiều người ở Washington tin rằng những người Cộng sản sẽ đàm phán về một cuộc ngưng bắn mới và đạt được một thoả thuận mới sẽ giữ cho miền Nam vẫn tồn tại dù thiếu đi những phần đất kém “màu mỡ”. Ông từ chối lên kế hoạch di tản sớm và nhiều người trong chúng tôi ở Đại sứ quán phải đưa những người bạn Việt Nam ra khỏi nước bằng những chiếc máy bay vận tải hàng hóa. 4 ngày trước khi Saigon sụp đổ, trong một nỗ lực xoa dịu những người Cộng sản và tạo điều kiện để tiến hành một cuộc đàm phán vào giờ chót, ông thuyết phục Tổng thống Thiệu từ chức và rời khỏi Việt Nam.

Đêm ấy, tôi lái xe chở ông Thiệu tới một căn cứ không quân bí mật ở ngoại ô Saigon để ông ta lên chiếc máy bay rời Việt Nam. Những lằn đạn loé lên trên bầu trờ đêm, tiếng súng nổ vang ở ngoại vi thành phố và lan truyền những tin đồn về một cuộc đảo chánh giống như cuộc đảo chánh đã lật đổ và giết chết Tổng thống Ngô Đình Diệm vào năm 1963. Khi xuất hiện ở nơi đón mình, ông Thiệu mặc áo vest màu xám, mái tóc chải ngược về phía sau và trông ông giống một người mẫu ảnh của ấn bản ở châu Á của tạp chí Gentleman’s Quarterly. Cuối cùng, ông Thiệu đi thoát an toàn.

Nhưng những người Cộng sản không dừng bước một phút giây nào. Suốt nhiều tuần lễ qua, các thông tin tình báo cho chúng tôi biết họ sẽ không dừng bước vì bất cứ lý do gì, dù đại sứ Martin chẳng bao giờ tin. Bản báo cáo cuối cùng và có tính cách quyết định đã đến tay chúng tôi 2 tuần trước từ một nhân viên tình báo người Việt chưa bao giờ nói điều gì sai. Lần này, anh ta gặp tôi ở một nơi gần thủ đô Saigon, và sau khi uống bia – anh ta rất thích bia Budweiser – anh ta cho tôi hay những tin tức xấu nhất: những người Cộng sản sẽ chiếm được Saigon vào cuối tháng 4, đang tăng cường trọng pháo và máy bay, chẳng ngừng một lúc nào để đàm phán và dàn xếp về chính trị. Đó thật sự là những gì đã xảy ra.

Vào ngày 28 tháng 4, máy bay của Cộng sản ném bom phi trường Tân Sơn Nhứt và đêm ấy, trọng pháo nã vào ngoại ô thành phố, những tiếng nổ kinh hồn làm chúng tôi bật dậy khỏi giường. Thế nhưng đại sứ Martin vẫn còn hy vọng. Ông nghĩ là chúng tôi có thể di tản thong thả bằng máy bay và thậm chí còn không cho đốn một cái cây lớn trong sân Tòa đại sứ để có chỗ cho máy bay trực thăng hạ cánh. Đó là một sai lầm. Những đường băng của phi trường Tân Sơn Nhứt đã bị phá nát và với 140.000 binh lính Bắc Việt chỉ cách Saigon 1 giờ đi xe, rõ ràng chúng tôi không còn nhiều thời gian để lãng phí.

Giữa buổi sáng ngày 29 tháng 4, Nhà Trắng đã bất chấp đại sứ Martin, quyết định cho máy bay trực thăng trên những chiếc tàu ngoài khơi thực hiện việc di tản. Tín hiệu báo cuộc di tản đã bắt đầu là bản nhạc “I’m Dreaming of a White Christmas” của ca sĩ Bing Crosby. Dù đã báo trước về kế hoạh di tản, các nhân viên ở Đại sứ quán vẫn không kịp chuẩn bị tinh thần và nhiều người trong chúng tôi vẫn không có danh sách đầy đủ với tên những nhân viên người Việt, những nhân viên và cộng tác viên đang cần di tản. Vì vậy, suốt ngày hôm đó, chúng tôi dành hết thời gian để tự cứu chính mình và giúp những người Việt may mắn bước lên một chiếc máy bay trực thăng của Mỹ hay một chiếc tàu. Ở đại sứ quán, lính thuỷ quân lục chiến Mỹ làm tất cả những gì có thể làm để đưa những người nào được đi qua cổng và gạt những người không được đi ra ngoài. Cùng lúc ấy, tàn quân của quân đội và không quân Việt Nam Cộng hòa lao về phía người Mỹ, bỏ lại những chiếc tàu và máy bay dưới biển để lên những chiếc tàu của Mỹ. Đến giữa trưa, khuôn viên Đại sứ quán Mỹ đầy những người Việt tuyệt vọng muốn di tản trên những chiếc máy bay trực thăng đậu trên nóc Đại sứ quán hay trong sân đã đốn bỏ cái cây lớn. Tôi đi giữa họ, đưa nước uống và nói những lời khích lệ mà tôi biết là vô ích. Có lúc cánh quạt của một máy bay trực thăng hạ cánh làm tung bay những tài liệu mật chất trong những túi xách để trên sân và những tờ giấy bay lả tả rồi xuống những ngọn cây.

Sau này, những người Cộng sản sẽ dùng những tài liệu mật và những file bị bỏ lại này để biết ai là những người cộng tác với người Mỹ đã bị bỏ lại. Khi tiến độ của cuộc di tản bằng trực thăng đưọc đẩy nhanh hơn, có nhiều người Việt hơn muốn di tản trên nóc của đại sứ quán. Những tiếng nổ làm cho toà nhà rung chuyển và thỉnh thoảng có tiếng lưu đạn nổ khi nhân viên Đại sứ quán phá huỷ các thiết bị.

Thỉnh thoảng tôi dừng chân ở phòng điện đài của CIA để nghe qua radio tiếng kêu thất thanh của những nhân viên người Việt tuyệt vọng kêu cứu qua điện đài, van xin đừng bỏ họ ở lại. Vài người lên được những chiếc máy bay trực thăng mà tôi và các nhân viên CIA khác phái tới, nhưng nhiều người đã bị lãng quên. Một phụ nữ với một đứa con mà nàng nói là con của tôi nói nàng sẽ tự sát nếu tôi không đến giải cứu. Tôi nói nàng gọi lại sau 1 tiếng nữa, nhưng lát sau, khi nàng gọi lại, tôi đang ở tầng dưới báo cáo tình hình cho đại sứ Martin một cách vô ích, và nàng đã giữ đúng lời hứa, thêm hai cái chết nữa vào nhiều cái chết đã làm trĩu nặng tâm tư của tôi. Khi đến lúc tôi phải rời đi đêm ấy cùng với những người còn lại của phái bộ CIA, chúng tôi phải đẩy những người Việt ra khỏi hành lang khi lên nóc đại sứ quán để bước lên máy bay trực thăng. Tôi không dám nhìn vào mắt họ. Rút lui là chiến thuật quân sự khó khăn nhất. Vì danh dự, chúng ta không được bỏ rơi những người bạn của mình ngoài trận tuyến.

Trong cuộc di tản khỏi Saigon, phân nửa số người Việt thoát đi được chẳng nhận được sự trợ giúp nào của chúng tôi cho đến khi họ đã đi thật xa trên biển. Bức điện cuối cùng phái bộ CIA gởi đi từ đại sứ quán có nội dung: “Hy vọng chúng ta sẽ không để cho lịch sử lặp lại. Đây là phái bộ Saigon chấm dứt liên lạc”.

Comment của anh Frank Snepp trên bài đăng vào ngày 27.4.2021: “There has been much speculation about the gold. Polgar told me that Thieu would be taking some of his own gold with him and that reasonable projection framed my impression of what was in the suitcases, though I did not examine the contents obviously on the night I delivered Thieu to Tan Son Nhut. The CIA did have reports of Theiu and others shipping personal gold stores out on an Air Vietnam flight and by other means. There is also the complicated story of what happened to gold reserves in the national treasury. Ambassador Martin wanted it shipped out but ultimately came to a mutual understanding with acting president Huong and the president in waiting, Big Minh, to leave it in country as another inducement for the North Vietnamese to negotiate their way into Saigion, rather than seize Saigon by force as our best spy, Vo Van Ba assured us (and me personally on April 17) they would do. Much of the embassy documentation that would help clarify things was destroyed or lost in the chaos of the evacuation. Martin carried some files out with them and then stole them from the State Department when he retired. He later lost them to car thieves in North Carolina. The FBI recovered some of them and kept them hidden away in an evidentiary storeroom in Charlotte for many years. Some have made their way to the LBJ library and the Ford archives. But they are woefully incomplete”

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: Frank Snepp, khi nhận huy chương do Giám đốc CIA William E. Colby trao tặng và ấn bản năm 2002 của tác phẩm “Decent interval”

Leave A Reply

Your email address will not be published.