Góp thêm ý kiến về sự ra đời và hoạt động của hội kín Phan Xích Long

Nguyễn Thanh Tiến

0 371

Trong phong trào hội kín Nam Kỳ, hội kín Phan Xích Long là tổ chức tiêu biểu nhất. Đây là tổ chức có hoạt động trên nhiều tỉnh Nam Kỳ và gây được ảnh hưởng lớn. Chính hội kín này đã phát động hai cuộc nổi dậy chống chính quyền thực dân vào năm 1913 và 1916. Bản thân Phan Xích Long được các hội kín khác ủng hộ và suy tôn làm hoàng đế nước Nam.

Hội kín Phan Xích Long được thành lập vào khoảng cuối năm 1911. Sự ra đời và hoạt động của hội gắn liền với tên tuổi của ba nhân vật là Phan Xích Long, Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Văn Hiệp.

Phan Xích Long tên thật là Phan Phát Sanh (còn gọi là Lạc). Phan là con của một người lính tuần thành tại Chợ Lớn tên là Núi. Không rõ Phan sinh năm nào, song căn cứ vào bản cáo trạng của Tòa Đại hình Sài Gòn năm 1913 ghi rằng “Phan Phát Sanh niên canh 20 tuổi”[1] chúng ta có thể đoán định ông sinh vào 1893. Có tác giả cho rằng có thể Phan Xích Long là người gốc Hoa.[2] Theo tài liệu của Pháp thì khi còn ở Chợ Lớn, Phan đã “bị Tòa tạp tụng xử phạt một lần về lỗi trái lệ làm thầy bói mà không xin phép quan trên”. Vì vậy, Phan bị cha đuổi ra khỏi nhà. Từ đó, Phan Xích Long rời Nam Kì, sang Cao Miên và Xiêm. Trong khoảng thời gian trước năm 1911, Phan đã học tiếng “Chệt” (tức tiếng Hoa) và tiếng Xiêm ở vùng biên giới Xiêm – Cao Miên. Ngoài ra ông còn học phương thuật, làm nghề thầy pháp và thạo cả nghề làm trái phá. Sau này, trong vụ án 1913, có người còn khai rằng Phan Xích Long theo đạo tu tiên.[3]

Tháng 7-1911, tại Tân Châu – Châu Đốc, Phan Xích Long đã gặp Nguyễn Hữu Trí (Hai Trí) và Nguyễn Văn Hiệp. Trí và Hiệp vốn là dân làng Đa Phước – Chợ Lớn. Cả ba đã cùng bàn định lập hội kín và khởi nghĩa chống Pháp. Sau lần gặp gỡ này, Phan “mặc áo thầy chùa và đi du phương”. Trí và Hiệp thì bắt tay vào xây dựng cơ sở cho phong trào. Hai người đã rước một ông già tên là Nguyễn Văn Kế về nhà của Trí ở làng Đa Phước và tuyên bố đây là một vị “Phật sống”. Chưa được bao lâu, chức dịch làng Đa Phước đã bắt cả ba người nộp cho quan Tham biện (có lẽ là Tham biện Chợ Lớn). Tuy nhiên, do không có chứng cớ buộc tội nên cả ba đã được thả. Sau vụ này, ngày 15-11-1911 “Phật sống” được đưa về châu thành Chợ Lớn, ngụ ở đường Thuận Kiều. Tại đây, Hai Trí đã dùng “Phật sống” để thu hút mọi người lui tới nhằm quyên góp tiền bạc. Đồng thời đây cũng là nơi tụ họp của những người có chí hướng chống Tây. Tài liệu của Pháp cho biết nơi ở của Phật sống “kẻ tới người lui, ra vào bái lạy, dâng bạc cúng vàng”… là “nơi nhóm hội và lập bọn khởi nghĩa với nhau, đặng làm giặc cùng nhà nước Lang Sa”[4]

Tháng 2-1912, “Phật sống” Nguyễn Văn Kế qua đời. Nhân cơ hội này, Nguyễn Hữu Trí lập mưu nói rằng khi sắp lìa trần, “Phật sống” dạy phải tôn Phan Phát Sanh lên làm hoàng đế. Hai Trí và Hiệp đã lãnh trách nhiệm qua Battambang (Campuchia) đón Phan Phát Sanh về Chợ Lớn để lên ngôi. Về phần Phan Phát Sanh, vào cuối năm 1911, Phan đã đến tỉnh Cần Vọt (tỉnh Kampot – Campuchia) và trú tại nhà một người tên Nhiêu. Sau đó, Phan cùng với vợ chồng người này đến Battambang làm culi, rồi làm nghề chữa bệnh. Hai Trí và Hiệp đã qua đón Phan tại Battambang và đưa Phan quay lại Cần Vọt. Tháng 9-1912, Phan Phát Sanh trở về Chợ Lớn, và ngụ tại đường Thuận Kiều. Chỗ Phan ở là một tiệm cho mướn xe máy đạp, cũng là nơi thờ đức Phật sống. Ở đây, Phan được thiên hạ “tôn kính như thiên tử”. Từ lúc này, Phan Phát Sanh trở thành hoàng đế Phan Xích Long. Tháng 10-1912, Phan Xích Long đến ở tại một tửu quán trên đường Bourdais (Sài Gòn) gọi là tiệm Nam Hòa Hiệp. Ngày 14-10, Phan Xích Long “ban yến” tại đây và nhận “lễ vật dâng cống tới chừng sáu trăm đồng bạc”.[5] Xong việc, Phan trở lại Cần Vọt, nơi Hai Trí đang xin đất dựng chùa để làm cơ sở cho hoạt động của hội kín.

Như vậy, với vai trò tích cực của Phan Xích Long, Nguyễn Hữu trí, Nguyễn Văn Hiệp, một hội kín chống Pháp đã xuất hiện ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Chúng ta không có tài liệu để biết đích xác hội ra đời chính thức vào ngày tháng năm nào, tôn chỉ cụ thể ra sao… Song, căn cứ vào các sự kiện vừa nêu trên, có thể khẳng định hội kín Phan Xích Long ra đời vào khoảng tháng 11-12 năm 1911. Tuy không rõ tôn chỉ của hội, nhưng hoàn toàn có cơ sở khẳng định đây là một tổ chức yêu nước. Mục đích của hội là đánh Pháp, khôi phục nước Nam. Bản yết thị của hội kín Phan Xích Long dán khắp châu thành sài Gòn – Chợ Lớn năm 1913 viết: “Sẽ có một người là chánh vị Vương, tên là Phan Xích Long sẽ ra đánh cùng người Lang sa và thắng trận…”. Cuối bản yết thị có lời kêu gọi “ta hãy dậy mà phục quốc”.[6]

Về mặt tổ chức, ngoài ba người khởi đầu là Phan Xích Long, Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Văn Hiệp, hội đã nhanh chóng thu nhận được nhiều người, trong đó có các nhân vật quan trọng sau (theo thứ bậc):

Trương Văn Phước (hương chủ Phước) , làm nghề thầy thuốc.

Cựu hương sư Nguyễn Văn Tài, ở làng Đại Nhựt, tỉnh Tân An. Ông có hai con trai là Nguyễn Văn Tiền và Nguyễn Văn Của cũng tham gia hội kín.

Nguyễn Văn Ngọ (hương trưởng Ngọ), người có vai trò quan trọng trong vụ nổi dậy đầu năm 1913.

Nguyễn Văn Tâm (Tám Tâm), người có vai trò quan trọng trong hoạt động của hội ở Cần Vọt.

Ngoài ra, còn phải kể đến các tên tuổi khác trong hội kín như: hai con trai của “Phật sống” là Nguyễn Văn Mùa (Ba Mùa) và Nguyễn Văn Màng (Tư Màng), Tư Phát (chủ tiệm xe máy đạp ở đường Thuận Kiều), Đặng Tấn Sao (Xã Sao – cựu xã trưởng làng Tân Trạch), Hứa Song (Song Tỏn), một Hoa kiều lập nghiệp ở làng Nhựt Tảo (Tân An)…[7]

Cũng như các hội kín khác trên đất Nam Kỳ, ngay khi mới ra đời, hội kín Phan Xích Long đã mang đậm màu sắc thần bí. Điều này thể hiện rất rõ qua việc hội đưa lên hình tượng “Phật sống”, tuyên truyền để mọi người tin vào bùa chú… Hương trưởng Ngọ từng nói với những người dân ủng hộ hội kín rằng: “Ai uống bùa vô thì đặng phép biến hình… mình có phép chuyển gồng, đạn súng bắn không vô thịt, gươm đao đâm chẳng phủng (thủng) da” và “hễ chư quân khấn vái thì trời đất cho các vị thần tiên ra cầm binh xáp trận, giúp nghĩa sĩ khởi thắng hiển vinh…” [8]Bên cạnh tư tưởng thần bí, hội kín Phan Xích Long còn thể hiện rõ tư tưởng tôn quân. Phan Xích Long tự xưng là thái tử, con của vua Hàm Nghi và luôn mang bên mình chiếc khánh có chữ “Đông cung”. Sau đó, Phan được người trong hội kín tôn lên làm hoàng đế với đầy đủ áo, mão, gươm, ấn… Cây gươm của Phan có khắc dòng chữ “Tiên đả hôn quân, hậu trảm loạn thần” (trước đánh hôn quân, sau chém loạn thần). Cái ấn có hình đầu rồng trên cái ngù, phía dưới khắc dòng chữ “Đại Minh quốc, Phan Xích Long hoàng đế, thiên tứ ngọc tỉ” (Nước Đại Minh, hoàng đế Phan Xích Long, ấn ngọc trời ban). Ngoài ra Phan còn có cái khánh khắc tên Phan Xích Long (Xích Long nghĩa là con rồng đỏ) và cái xuyến đeo tay. Ở phía ngoài chiếc xuyến có dòng chữ “Đại Minh quốc, Phan Xích Long hoàng đế thống trị Trung Hoa”. Phía trong có hai chữ “Dân cống”. Tất cả những món đồ này đều làm bằng vàng, trị giá đến “ba bốn ngàn đồng bạc lớn”. Chính Hai Trí và hương sư Tài đã đặt cho hai người thợ bạc là Võ Văn Giàu và Năm Kiều làm các món đồ vàng ấy. Để tăng phần oai nghiêm cho hoàng đế, những người chủ chốt trong hội còn bày ra việc cúng lễ. Chỗ Phan Xích Long ngồi được họ trang trí đèn hoa rực rỡ. Khi mọi người vào lạy, thấy Phan ngự trên ngai vàng “hào quang sáng loáng, sánh dường một vị trời sai xuống đánh cùng người Lang Sa mà lấy lại nước cho trăm họ được nhờ”. [9]Rõ ràng, “hoàng đế” Phan Xích Long đã đã được thần thánh hóa nhằm mục đích động viên người dân tham gia hoạt động cứu nước.

Ở đây có một điều đáng lưu ý là, tại sao cái ấn và xuyến đeo tay của Phan Xích Long lại khắc dòng chữ “Đại Minh quốc…”, “Phan Xích Long hoàng đế thống trị Trung Hoa”? Chúng ta nhớ rằng, Phan đã xưng mình thuộc dòng dõi Hàm Nghi – một vị vua yêu nước của Việt Nam. Vậy tại sao chữ trên ấn không phải là “Đại Nam quốc” hay “Việt Nam quốc”? Ba chữ “Đại Minh quốc” khiến ta dễ liên tưởng đến Thiên Địa hội của người Hoa với tôn chỉ “Phản Thanh phục Minh”. Bản thân Phan Xích Long cũng có lúc nhận mình thuộc dòng dõi của vị vua lập nên triều Minh.[10] Phải chăng đây là cách che dấu mục đích thực sự của hội kín trước chính quyền thực dân? Hay do được tổ chức theo kiểu Thiên Địa hội Trung Quốc nên hội kín Phan Xích Long đã dùng luôn khẩu hiệu “Phản Thanh phục Minh” để làm lớp vỏ ngụy trang? Trong bản trạng cáo xử vụ nổi dậy năm 1913, chính quyền thực dân đã nói về các hội kín Nam Kỳ (tất nhiên có cả hội kín Phan Xích Long) như sau: “…thứ hội kín này kêu là Thiên Địa hội… Những người mới vô hội phải bước ngang qua ngạch cửa Hồng môn, rồi mới thề nguyền kết nghĩa kim lan, hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly, giữ cho trọn việc Phản Thanh phục Minh… tại đây mà nói phản Thanh phải hiểu là chúng nó lo đuổi người Đại Pháp ra khỏi Đông Dương…”.[11] Chúng tôi cho rằng đoạn tư liệu trích dẫn trên đã phần nào cắt nghĩa vì sao trên ấn của Phan Xích Long khắc chữ “Đại Minh quốc…”. Ba chữ này hoàn toàn không liên quan đến mục đích thực sự của hội kín.

Mặc dù hình thức tổ chức của hội kín Phan Xích Long mang đầy màu sắc huyền bí, nhưng hoạt động của nó hướng tới những mục tiêu rất thiết thực. Điều đó được chứng tỏ qua công tác tuyên truyền, quyên góp tài chính, gây dựng cơ sở… của hội. Ngay sau cuộc gặp ở Tân Châu (Châu Đốc) tháng 7-1911 với Hai Trí và Hiệp, Phan đã khoác áo nhà sư “đi du phương”. Việc Phan đi chu du các nơi chắc hẳn không ngoài mục đích tuyên truyền yêu nước. Dân chúng ở các tỉnh Nam Kỳ và vùng biên giới Việt – Miên vốn có niềm tin tôn giáo sâu sắc và ưa chuộng việc dùng bùa chú, thuật số. Vì vậy, họ rất kính trọng các sư sãi, thầy đạo. Với chiếc áo nhà sư, Phan sẽ dễ tiếp xúc và thuyết phục họ tham gia hoạt động của hội kín. Không phải ngẫu nhiên mà chính quyền thực dân đã quy kết hoạt động của Phan Xích Long vào tội “giả mạo qua việc tu hành mà dối gạt dân chúng …” [12]

Trong khi Phan Xích Long đi tuyên truyền các nơi, Hai trí và Hiệp cũng tích cực tập hợp quần chúng ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Mặc dù hoạt động cách xa nhau, nhưng có lẽ giữa Phan Xích Long và Hai Trí vẫn giữ mối liên lạc. Nếu không, làm sao Hai Trí biết Phan đang ở tại Battambang để sang rước về lên ngôi theo “lời trăn trối của Phật sống”?

Sau một thời gian hoạt động, hội kín Phan Xích Long đã thu hút được một lực lượng đông đảo. Lực lượng này bao gồm nông dân, dân nghèo thành thị và cả một số chức dịch ở làng xã. Ngoài ra, hội kín còn có sự tham gia của một số Hoa kiều. Việc hội kín có đông người gia nhập và ủng hộ cho thấy công cuộc vận động, tuyên truyền của những người sáng lập đã thu được kết quả khả quan.

Song song với việc chiêu tập lực lượng, những người đứng đầu còn tích cực gây quỹ để phục vụ cho hoạt động của hội. Số tiền họ quyên được khá lớn, chủ yếu do các hội viên hoặc dân chúng đóng góp. Khi xét nhà Tư Phát – một nhân vật quan trọng của hội kín – bọn thực dân đã phát hiện cuốn sổ ghi lại tên và số tiền đóng góp cho hội của rất nhiều người. Tài liệu của thực dân đã cho biết tên một số người mà chúng bắt được như sau:

– Tư Phát – thủ quỹ của hội và là người ghi cuốn sổ nói trên – góp một ngàn một trăm đồng.
– Trương Văn Chước (cha Tư Phát) góp một ngàn đồng.

– Nguyễn Văn Tài (hương sư Tài) góp hai trăm đồng.

– Đặng Tấn Sao (Xã Sao) góp 280 đồng và một lượng 5 chỉ vàng.

– Nguyễn Văn Tâm (thuộc viên Tâm), cựu hội đồng địa tỉnh, góp 3.720 đồng…[13]

Qua một vài trường hợp vừa nêu, chúng ta thấy số tiền các hội viên ủng hộ cho hội không phải là nhỏ. Với nguồn kinh phí khá dồi dào, hội kín đã có điều kiện rất thuận lợi để đẩy mạnh các hoạt động như xây chùa, rèn đúc vũ khí, tích trữ lương thực, may trang phục để hội viên mặc khi nổi dậy… Trong đó, đáng chú ý nhất là việc hội kín dựng một ngôi chùa ở tỉnh Cần Vọt (Kampot – Campuchia).
Ngày 01-10-1912, Nguyễn Hữu Trí đứng tên xin phép xây chùa ở Cần Vọt. Ít lâu sau, Phan Xích Long cũng có mặt tại đây để cùng lo việc xây cất. Chùa được xây trên sườn núi Voi, cách tỉnh lỵ Cần Vọt 8 km. Phan Xích Long cũng xin một mảnh đất gần chùa, nhưng Công sứ Pháp ở Cần Vọt không cho.

Ngôi chùa của hội kín Phan Xích Long thờ “Rồng Nam bất tử” (thần Nam Long) và có hai bảng ghi: “Đền Bảo quốc” (bảo vệ tổ quốc) và “Đền được đế quyền phù hộ”. Chùa được xây dựng bằng ván nhẹ, sơ sài với số tiền là 1.000 đồng. [14]

Hai Trí và Phan Xích Long xây chùa nhằm mục đích gì? Phải chăng là để phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh? Hoàn toàn không phải như vậy. Việc dựng chùa ở đây, trên thực tế, là nhằm tạo ra một chỗ “đứng chân” lâu dài cho hoạt động cứu nước của hội kín. Đồng thời, đây còn là “cái cớ” để người trong hội đi quyên tiền. Viên chưởng lí Michel đã nói về ngôi chùa này trong bản trạng cáo xử vụ nổi dậy năm 1913: “Ngôi chùa này là một cái cớ để quyên góp cho quỹ mưu phản. Đó cũng là nơi chờ đợi hay ẩn náu, là nơi tổ chức lễ tuyên thệ trung thành.”[15]

Coulet cho biết thêm: “chùa được xây ở một nơi gần như không thể đến được, phải leo dốc 60o. Nó không giống như một ngôi chùa, nó chứa lương thực thực phẩm nhiều một cách khác thường, nhiều quần áo trắng, giống như áo nông dân mặc… khi họ tụ tập về Chợ Lớn để chờ hiệu lênh làm loạn…”. Ông đưa ra nhận định mang giọng điệu thực dân: “Chùa này… không gì khác hơn một nơi bí mật để hội họp của các hội phản nghịch (chống chính quyền thực dân – TG). Ở đó, Phan Phát Sanh mặc áo vàng (hoàng bào) để làm như vua đầu tiên của triều Minh…” [16]

Có thể nói, ngôi chùa của Phan Xích Long trên núi Voi – tỉnh Cần Vọt mang chức năng “thế tục” nhiều hơn tôn giáo. Đây thực sự là “cơ quan đầu não” của hội kín với các chức năng như: hội họp, tổ chức lễ tuyên thệ cho các hội viên (một hoạt động theo kiểu Thiên Địa hội). Đây cũng là nơi các nghĩa sĩ ẩn mình đợi thời cơ hoặc tránh sự truy bắt của chính quyền thực dân. Ngoài ra, như đã nói ở trên, chùa là lý do chính đáng để hội quyên tiền của dân chúng khắp nơi. Tài liệu của Coulet cho biết: Hai Trí – người chủ trì việc này – đã thu được hơn 20.000 đồng tiền quyên góp cho việc dựng chùa. Sau đó, ông tiếp tục cho người đi quyên góp để trang bị cho chùa những thứ quý giá. Ông thu được khoảng 10.000 đồng nữa, nhưng không mua đồ đạc quý giá như đã tuyên bố.[17] hông tin này chứng tỏ phần lớn số tiền thu được không dùng vào mục đích tôn giáo. Vậy nó dùng vào việc gì? Chúng tôi cho rằng với các khoản tiền quyên được, hội dùng cho việc trang trải cho việc đi lại, mua sắm lương thực, vũ khí, quần áo… Số lương thực thực phẩm “nhiều một cách khác thường” và số quần áo trữ trong chùa, số vũ khí dùng trong cuộc nổi dậy năm 1913… là những minh chứng rõ rệt cho điều đó.

Trong hai năm 1913 và 1916, hội kín Phan Xích Long đã thực hiện hai cuộc nổi dậy ngay tại Sài Gòn – Chợ Lớn. Đây là những hoạt động yêu nước có tiếng vang nhất ở Nam Kỳ lúc bấy giờ. Tuy nhiên, cả hai cuộc nổi dậy đều không thành công.

Mặc dù thất bại trong hoạt động chống Pháp nhưng hội kín Phan Xích Long đã có đóng góp không nhỏ cho phong trào yêu nước. Hội kín đã phát động các cuộc nổi dậy giữa lúc thực dân Pháp đang còn rất mạnh. Trước sự đàn áp của kẻ địch, những người cầm đầu cũng như các hội viên đều thể hiện tinh thần bất khuất, không sợ hi sinh. Tinh thần đó là nguồn cổ vũ mạnh mẽ đối với quần chúng nhân dân trên bước đường đấu tranh chống thực dân Pháp, giành lại độc lập tự do cho dân tộc.

NGUYỄN THANH TIẾN
Chú thích:
[1] – Truyện Phan Xích Long, Si Gịn, 1913, trang 11.
[2] – Hue -Tam Ho Tai (1983), Millenarianism and Peasant Politics in Vietnam, Harvard University Massachusetts, London, trang 69.
[3] – Truyện Phan Xích Long, Si Gịn, 1913, trang 9-11.
[4] – Truyện Phan Xích Long, Si Gịn, 1913, trang 10.
[5] – Truyện Phan Xích Long, Si Gịn, 1913, trang 12.
[6] – Truyện Phan Xích Long, Si Gịn, 1913, trang 7-17.
[7] – Truyện Phan Xích Long, Si Gịn, 1913, trang 10-11.
[8] – Truyện Phan Xích Long, Si Gịn, 1913, trang 8-13.
[9] – Truyện Phan Xích Long, Si Gịn, 1913, trang 9-14.
[10] – Hue -Tam Ho Tai (1983), Millenarianism and Peasant Politics in Vietnam, Harvard University Massachusetts, London, trang 69.
[11] – Truyện Phan Xích Long, Si Gịn, 1913, trang 48.
[12] – Truyện Phan Xích Long, Si Gịn, 1913, trang 10.
[13] – Truyện Phan Xích Long, Si Gịn, 1913, trang 15-16.
[14] – Coulet G. (1928), “Bonzes, pagodes et Sociétés Secrètes en Cochinchine”, Extréme- Asie Revue Indochinoise Illusstrée, (25), trang 12.
[15] – Coulet G. (1926), Les Sociétés Secrètes en terre d’Annam, Sài Gòn, trang 187.
[16] – Coulet G. (1926), Les Sociétés Secrètes en terre d’Annam, Sài Gòn, trang 189.
[17] – Coulet G. (1928), “Bonzes, pagodes et Sociétés Secrètes en Cochinchine”, Extréme- Asie Revue Indochinoise Illusstrée, (25), trang 12.

Nguồn: http://chimviet.free.fr/lichsu/nguyenthanhtien/ngthtiens050_phanxichlong.htm

Leave A Reply

Your email address will not be published.