Hoàng đế Bảo Đại, vị vua cuối cùng của vương triều Nguyễn, và cơ may cho một miền Nam tự do

Huỳnh Duy Lộc

0 810

Bảo Đại là vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam. Kế vị cha ông vào năm 1925, nhưng mãi đến năm 1932 mới lên ngôi vua. Ông đã hợp tác với người Nhật trong Thế chiến thứ hai, thoái vị năm 1945 để theo Việt Minh một thời gian ngắn. Ông sống lưu vong rồi theo chân người Pháp hồi loan về Việt Nam, làm quốc trưởng từ năm 1949 tới năm 1955, năm Thủ tướng Ngô Đình Diệm truất phế ông bằng một cuộc trưng cầu dân ý. Từ năm 1953, ông sống tại Pháp cho tới khi từ trần vào ngày 31 tháng 7 năm 1997.

Cuốn hồi ký của Bảo Đại mang tên “Le Dragon d’ Annam” (Con rồng An Nam) đã được nhà xuất bản Plon ở Paris ấn hành vào năm 1980.

Bản pdf cuốn hồi ký “Con rồng An Nam”: https://drive.google.com/…/1rRk…/view…
Trên trang của anh An Nguyen có bài “Trả lại công bằng cho vua Bảo Đại”
“Nói về Bảo Đại thì người ta hay nói về cái vụ ăn chơi phung phí xa hoa. Người ta nói ông đam mê săn bắn, lúc quân Nhật đã vào tới Đại nội, ông còn lo đi săn. Người ta nói ông gái gú. Cái vụ bôi nhọ này mới thấy được cái nhỏ nhen trong suy nghĩ của dân Á Đông. Thậm chí ông vua cuối cùng của nhà Thanh cũng có nhiều vợ nhưng không có báo nào của nước CHND Trung Hoa bươi móc nói xấu ông.
Vậy Bảo Đại có cống hiến gì cho dân tộc?

Xin thưa:
– Ông là người có những cải cách mới cho triều đình nhà Nguyễn, bãi bỏ các vị thượng thư già cả, lạc hậu thay bằng những người trí thức mới, phế bỏ chế độ thái giám phi nhân, bỏ thủ tục quỳ lạy vua.
– Ông mở rộng quan hệ ngoại giao với các quốc gia trên thế giới như Cambodia, Trung Hoa Dân Quốc, New Zealand, Úc, Lào, Anh, Pháp, Ý, Thái Lan.
– Ông là người bắt Pháp trả lại độc lập cho Việt Nam sau gần 100 năm cai trị.
– Ông yêu cầu Pháp trả lại 6 tỉnh Nam kỳ cho Việt Nam bị bảo hộ từ ngày cụ Phan Thanh Giản qua xin chuộc bất thành.
– Ông thành lập Quốc gia Việt Nam với các cải cách dân chủ, thành lập quân đội, nội các, đổi mới giáo dục và soạn Hiến pháp đầu tiên cho nước Việt Nam độc lập.
– Năm 1949, ông điều hành Quốc gia Việt Nam, tham gia Liên Hiệp Quốc và được chấp thuận là một quốc gia hợp pháp, trong khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị bác đơn.
– Ông đại diện Quốc gia Việt Nam độc lập gia nhập Liên hiệp Quốc tế Viễn thông 1952 với đầu số điện thoại ở Nam kỳ là +84.
– Ông dựa vào uy tín của mình kêu gọi quốc tế viện trợ, đưa hơn một triệu dân miền Bắc vào Nam.
– Và hơn hết, trong gần 20 năm trị vì, ông chưa hề làm đổ máu một người dân Việt Nam nào”.

Hoàng đế Bảo Đại và vai trò trong sự hình thành của Việt Nam Cộng hòa

Vì sao Hoàng đế Bảo Đại đã chọn ông Ngô Đình Diệm làm thủ tướng của miền Nam khoảng 2 tuần trước khi Hội nghị Genève về Đông Dương kết thúc và ra Tuyên bố chung? Mối quan hệ giữa ông và vị thượng thư Bộ Lại năm xưa có thể giải thích tất cả.

Sau khi tốt nghiệp trường Khoa học Chính trị Paris và về nước, khi nắm được tình hình, Bảo Đại đã bắt tay ngay vào việc cải cách đất nước, mong từng bước khôi phục chủ quyền quốc gia. Ngày 10 tháng 12 năm 1932, Bảo Đại cho công bố một đạo dụ theo đó Việt Nam theo chế độ quân chủ lập hiến. Bảo Đại sẽ trực tiếp điều khiển nội các và cho cải cách hành chính, giáo dục, tư pháp, cũng như muốn người Pháp thực thi đúng đắn Hòa ước 1884, để cho triều đình một ít quyền hành trong khuôn khổ nền bảo hộ của Pháp. Theo đó một nội các mới đã được thành lập gồm những người trẻ như Phạm Quỳnh, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Đệ…

Những dự định cải cách này đã được ông Phạm Quỳnh, nguyên chủ bút Nam Phong, đề nghị từ trước qua 4 bài xã luận đăng trên báo France-Indochine ở Hà Nội, mà bài thứ ba nhan đề là “Tiến tới một Hiến pháp”. Vì đề nghị của Phạm Quỳnh phù hợp với ước muốn cải cách, nhà vua đã chọn Phạm Quỳnh làm thượng thư Nội các mới thay thế ông Nguyễn Hữu Bài.

Còn về Ngô Đình Diệm, Bảo Đại chọn vì theo lời ông: “… lúc ấy Ngô Đình Diệm từng làm tuần vũ tỉnh Phan Thiết, để đảm trách Bộ Lại. Vốn dòng dõi quan lại, anh ruột ông ta làm Tổng đốc tỉnh Faifo. Diệm năm ấy mới 31 tuổi, nổi tiếng là thông minh, liêm khiết. Đây là một người quốc gia bảo thủ. Ngoài chức vụ thượng thư Nội các, Ngô Đình Diệm lại còn là Tổng thư ký cho Hội đồng Hỗn hợp về Canh tân đã được ban bố năm trước bao gồm các thượng thư Việt Nam và hàng công chức cao cấp Pháp. Ngô Đình Diệm đã được Nguyễn Hữu Bài trước khi về hưu, tiến cử”.

Chỉ sau 4 tháng, Ngô Đình Diệm xin Bảo Đại được từ chức. Bảo Đại đã khuyên Ngô Đình Diệm: “Quan Thượng, trẫm hiểu tinh thần trách nhiệm của quan Thượng. Sự liêm khiết ấy đã tôn vinh ông lên rất nhiều, nhưng cần phải chờ thời. Đất nước ta chưa sẵn sàng. Sau nữa, những năm sắp tới đây còn dành cho chúng ta nhiều biến chuyển. Trẫm biết ông và quan Thượng Nguyễn Hữu Bài vẫn có liên lạc chặt chẽ. Như thế, hẳn cụ Bài không quên nhắn nhủ ông những điều lo ngại của cụ. Chiến tranh khó có thể tránh được ở Âu châu, và như thế, sẽ có những hậu quả đối với Á châu mà Nhật Bản có thể là vai trò chủ chốt”.

Ngày 7 tháng 5 năm 1954, quân Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ và ngày hôm sau, ngày 8 tháng 5, Hội nghị Genève về Đông Dương khai mạc, nhưng đến những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6, theo lời Bảo Đại, “hai Bộ Tư lệnh Pháp và Việt Minh họp ở Genève để bàn về vấn đề các vùng tập kết ở Việt Nam, rồi ở Lào và ở Cambodge hầu đi đến sự chấm dứt nhanh chóng và tức khắc những hận thù, theo điều kiện hòa bình. Bắt đầu từ mùng 2 tháng 6, Hội đồng quân sự ấy bắt tay vào việc… Lúc đầu, chúng tôi cử làm trưởng phái đoàn vị Bộ trưởng Ngoại giao vì chúng tôi nghĩ là một hội nghị chính trị, nhưng trong cuộc họp hạn chế, người ta lại bàn về vấn đề quân sự. Vì vậy, tôi ra lệnh cho tất cả nhân viên phái đoàn rút lui.

Tại Saigon, Thủ tướng Chính phủ Bửu Lộc gặp phải sự chống đối quyết liệt của các nhà quốc gia trong phong trào Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc do Ngô Đình Nhu lãnh đạo. Mặt trận này không công nhận trước tất cả các quyết định có thể do Hội nghị Genève đặt ra. Tôi cho vời đến Cannes các lãnh tụ của các phong trào chính trị và tôn giáo ở Việt Nam để hỏi ý kiến. Tôi cho họ biết cái gì đã xảy ra, rằng tất cả đều đã được xếp đặt trước, đến chỗ sẽ chia đôi đất nước. Tôi vạch ra cho họ sự cần thiết đặt một đường hướng mới và gợi ý cho họ là cho thay thế hoàng thân Bửu Lộc bằng Ngô Đình Diệm để cầm đầu chính phủ. Tất cả hoan nghênh ý kiến của tôi. Biết mình khó lòng theo đuổi được con đường đã vạch, Bửu Lộc đệ đơn xin từ nhiệm cho cả chính phủ…

48 giờ sau, sau khi giới thiệu ông với tướng Ely, tổng tư lệnh quân đội Pháp, từ Washington trở về qua Paris, ông Diệm về Saigon cùng với hoàng thân Bửu Lộc để bàn giao quyền hành. Trước khi ra đi, tôi trao cho ông Diệm một đạo dụ ủy cho ông ta mọi quyền, hành chánh cũng như quân sự…” (Con rồng Việt Nam, Bảo Đại, tr. 512, 515)
Nhà nghiên cứu Max Boot đã nhận định về việc Hoàng đế Bảo Đại chọn ông Ngô Đình Diệm: “Sự hậu thuẫn mà ông Diệm có được từ những người Mỹ có vai trò then chốt sẽ giúp ích rất nhiều cho ông trong việc cử ông làm thủ tướng – nhưng không phải như những lời đồn đãi ở Saigon rằng Chính phủ Mỹ muốn ông làm thủ tướng như đã từng làm để ông Ramon Magsaysay làm Bộ trưởng Quốc phòng của Philippines, mà vì sau trận Điện Biên Phủ, Hoàng đế Bảo Đại hiểu ra rằng tương lai của miền Nam “tự do” sẽ phụ thuộc vào sự hậu thuẫn của người Mỹ, và còn ai thích hợp hơn để nhận viện trợ của Mỹ ngoài người bạn của Hồng y Spellman và Chánh án Douglas? Vì vậy, dù có chút nghi ngại về “sự cuồng tín và xu hướng cứu thế” của ông Diệm, Hoàng đế Bảo Đại đã phó thác tương lai của miền Nam vào tay ông Diệm…” (The road not taken: Edward Lansdale anh the American tragedy in Vietnam”, tr. 262, 263, 264)

HUỲNH DUY LỘC

Leave A Reply

Your email address will not be published.