K. W. Taylor và ghi chép về lịch sử hình thành thành phố Saigon

Huỳnh Duy Lộc

0 594

K. W. Taylor (Keith Weller Taylor) sinh năm 1946, có bằng cử nhân vào tháng 5 năm 1968 tại Đại học George Washington rồi chỉ 2 tuần sau, ông bị gọi đi khám sức khỏe để đi quân dịch và đã tình nguyện vào Cơ quan Tình báo Quân đội với hy vọng không bị đưa sang chiến trường Việt Nam. Thế nhưng ông vẫn phải sang Việt Nam vào năm 1970 với cấp bậc trung sĩ trong quân đội Mỹ rồi được trở về Mỹ vào năm 1971 sau khi bị thương. Vào tháng 1 năm 1972, 6 tháng sau khi trở về từ Việt Nam, ông được giải ngũ và tiếp tục theo học Đại học Michigan, chuyên về lịch sử Việt Nam.

Sau khi lấy được bằng tiến sĩ về lịch sử vào năm 1976 với luận án “The birth of Vietnam” (Việt Nam thời dựng nước), ông làm giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Singapore (1981-1987), giáo sư khoa Lịch sử ở Hope College (1987-1989) rồi làm giáo sư của khoa Nghiên cứu châu Á của Đại học Cornell (từ năm 1989 đến nay)
K.W.Taylor đã viết 2 cuốn sách về Việt Nam:

– Luận án tiến sĩ bảo vệ năm 1976, được xuất bản năm 1983 với nhan đề “The Birth of Vietnam” (Việt Nam thời dựng nước).

– “A History of the Vietnamese” (Một lịch sử của người Việt, Cambridge University Press ấn hành, New York, 2013).

K. W. Taylor đã viết về lịch sử hình thành thành phố Saigon: “Theo Louis Malleret, vào năm 2167 Phật lịch, tức năm 1623 Công nguyên, một sứ thần của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đem quốc thư tới vua Cao Miên là Chei Chéttha II với nội dung ngỏ ý muốn mượn xứ của Cao Miên để đặt phòng thu thuế thương chính ở Prei Nokor và Kampong Krabei. Sau khi tham khảo ý kiến của các triều thần, Chei Chéttha II đồng ý với yêu cầu của Chúa Sãi và gởi quốc thư cho biết là thoả thuận với điều yêu cầu”.

K. W. Taylor kể về việc lập ra 2 trạm thu thuế tại Prei Nokor và Kampong Krabei, cơ sở ban đầu từ đó thành phố Saigon hình thành: “Thế kỷ 17 chứng kiến sự tiếp xúc đầu tiên giữa người Việt với người Khmer ở Cambodia và với người Xiêm mà ảnh hưởng càng lúc càng lớn ở Cambodia đã khiến người Việt bắt đầu quan tâm tới sinh hoạt chính trị trong cung đình hoàng gia Khmer. Vào thời kỳ này, Cambodia bao gồm cả vùng hạ lưu của sông Mekong. Các tỉnh phía Tây của Cambodia càng lúc càng lệ thuộc vào thế lực của Xiêm. Cũng vào thời kỳ này, người Việt liên minh với những di dân Trung Hoa, tạo ra một lãnh vực hoạt động ở các tỉnh phía Đông của Cambodia.

Khoảng 2 thế kỷ sau, các vị vua Khmer đã lìa bỏ Angkor, vốn được lập ra để cai quản một đế chế nông nghiệp bao gồm nhiều vùng đất ngày nay thuộc Thái Lan. Họ chuyển đến những địa điểm ở trên hoặc ở gần sông Mekong có thể tiếp cận biển và có một nguồn của cải mới dựa trên ngoại thương. Cuối thế kỷ 15, Xiêm vươn tới một tầm mức cao hơn của bá quyền trong khu vực dưới sự lãnh đạo của vua Naresuan (trị vì từ năm 1590 tới năm 1605). Khi không còn chống cự nổi với các vị vua Xiêm, các vị vua Khmer đã phải nhờ tới sự trợ giúp về quân sự của những cộng đồng người nước ngoài đã tập hợp trên vương quốc của họ do hoạt động ngoại thương: người Hoa, người Nhật, người Mã Lai, người Chàm, người Bồ Đào Nha, người Tây Ban Nha, nhưng những cộng đồng này chẳng giúp gì được. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XVII, Cambodia chỉ còn là một nước chư hầu của Xiêm.

Tuy nhiên, vào năm 1618, Chei Chéttha II lên làm vua Cambodia đúng vào lúc Xiêm bị Miến Điện đe dọa. Ông từ bỏ vị thế chư hầu của Cambodia theo chiều hướng mở đầu cho sự dính líu của người Việt vào những vấn đề nội trị của Cambodia. Chei Chéttha II quay sang chúa Nguyễn Phúc Nguyên, nhờ vị chúa của người Việt giúp ông trong việc chống lại người Xiêm. Có vẻ đây là một ý tưởng hay vì Cambodia chưa có đường biên giới chung với Đại Việt và cuộc Trịnh – Nguyễn phân tranh hứa hẹn sẽ làm cho vị chúa ở Đàng Trong chỉ quan tâm đến vị chúa ở Đàng Ngoài. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái thứ hai của ông là Ngọc Vạn cho vua Chei Chéttha II. Cùng đi với công nữ Ngọc Vạn có một đoàn tùy tùng gồm 1.000 người Việt, bao gồm cả những người lính làm hộ vệ và một viên chức người Việt được cử làm sứ thần. Năm 1622, người Việt tham gia một trận hải chiến đánh bại cuộc xâm lược của quân Xiêm. Một cộng đồng người Việt bắt đầu hình thành tại kinh đô Cambodia.

Năm 1623, chúa Nguyễn Phúc Nguyên yêu cầu vua Chei Chéttha II cấp cho người Việt quyền thu thuế ở Prei Nokor và Kampong Krabei. Đó là hai điểm thu thuế ở hai trung tâm kinh tế và hành chánh tại tỉnh cực Đông của Cambodia ở lưu vực sông Daung Nay (Đồng Nai) gần biên giới Champa. Sử sách Khmer khẳng định rằng vua Chei Chéttha II chỉ đồng ý cho người Việt thu thuế trong một thời hạn là 5 năm như một thỏa thuận tạm thời, được giả định là để đền ơn đồng minh của ông là chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã giúp ông trong cuộc chiến chống người Xiêm vào năm trước. Các sử gia Khmer nhấn mạnh vào thỏa thuận tạm thời cho thu thuế trong 5 năm này để lý giải sự chính đáng của yêu cầu đòi trả lại đất cho người Khmer sau đó, nhưng họ lại quên đi một thực tế là nhiều thương nhân và dân phiêu tán người Hoa và người Việt đã đến định cư rất nhiều ở lưu vực sông Đồng Nai…

Năm 1679, một yếu tố mới đã được thêm vào với sự xuất hiện của một đội hải thuyền của nhà Minh bị những kẻ chinh phục Mãn Thanh trục xuất khỏi các cảng của Trung Hoa. Đội hải thuyền này đã hoạt động ở biển Đông từ nhiều năm qua và từng tiếp xúc với các thương nhân người Hoa ở Hội An và các cảng khác của Đại Việt, trong đó có Prei Nokor (sau này là Chợ Lớn). Khi hơn 50 chiếc thuyền với 3.000 người cùng với những người trong gia đình họ đến vịnh Đà Nẵng, chúa Nguyễn Phúc Tần đã cho họ chuyển đến biên giới sông Mekong. Một nhóm người dưới sự lãnh đạo của Trần Thượng Xuyên đến định cư tại Biên Hoà trên sông Đồng Nai không xa Prei Nokor. Nhóm thứ hai dưới sự lãnh đạo của Dương Ngạn Địch đến định cư tại Mỹ Tho trên bờ Bắc của nhánh sông ở cực Bắc của sông Mekong, có thể đến Prei Nokor bằng đường thuỷ qua những kênh rạch và sông Vàm Cỏ chảy qua một vùng đầm lầy rộng mênh mông giữa lưu vực sông Đồng Nai – sông Sài gòn và bình nguyên sông Mekong. Prei Nokor ở giữa hai nơi này, được bảo vệ bởi binh lính đồn trú tại Kampong Krabei (Sài gòn) phát triển nhanh chóng và trở thành một cảng thị thu hút các thương nhân đến từ các nước châu Á và các nước châu Âu” (A History of the Vietnamese, tr. 302, 303, 320).

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: Sách, chân dung GS K. W. Taylor, bản đồ Đế chế Khmer (Cambodia), và phù điêu vua Chei Chéttha II

Leave A Reply

Your email address will not be published.