Lịch Sử Champa Từ Sơ Khai Đến Cuối Thế Kỉ XV

Nguyễn Huỳnh Đăng Khoa

0 207

(tiếp theo và hết)

Chương 2: Champa giai đoạn phát triển và suy vong từ cuối thế kỉ X đền cuối thế kỉ XV.

2.1 Vương triều Vijaya từ thế kỉ X đến thế kỉ XV.

2.1.1 Giai đoạn phát triển và thống nhất từ cuối thế kỉ X đến thế kỉ XIII.

Vijaya là vương triều kế tục Indrapura. Sự sụp đổ của triều đại trước đã cho thấy nhiều hạn chế cần khăc phục, quan trọng nhất là tình trạng không thống nhất giữa Nam và Bắc Champa đã cản trở rất nhiều đến sự phát triển. Chính vì vậy nếu không muốn đi vào vết xe của triều đại trước, việc đầu tiên Vijaya cần phải làm là tiến hành thống nhất.

Vương triều Vijaya bắt đầu thành lập vào năm 988, sau khi Câu Thi Lị Ha Thân Bà Ma La (Harivarman II) lên làm vua, và tiến hành dời kinh đô từ Đồng Dương về Phật Thành (Phật Thệ) gần Quy Nhơn (Bình Định) ngày nay. Và từ đây bắt đầu cho một thời kì thống nhất và phát triển của Champa, từ đầu thế kỉ XI đến thế kỉ XIII.

Harivarman II trị vì từ năm 988 – năm 999 thì qua đời nhường ngôi cho con mình là Dương Phổ Cu Bi Thi Lị (Yang Pô Ku Vijaya Sri). Đến đây kinh đô của Champa mới dứt khoác dời về Phật Thành và lấy tên nước là Vijaya. Yang Pô Ku Vijaya trong thời gian nắm quyền từ năm 999 – 1010 cũng đối mặt với tình trạng bất ổn mọi mặt, nó kéo dài suốt thế kỉ XI.

Sau đó là sự tiếp nối hàng loạt đời vua Harivarmadeva làm vua khoảng 1010 – 1020, Paramesvaraman (trị vì từ năm 1020 – 1030), Vikrantavarman IV (trị vì từ năm 1030 -1041). Sau đó từ năm 1042 – 1044 là thời kì của vua Sinharvarman II trị vì, và trong một lần Đại Việt tiến đánh vua này tử trận. Vua Vijaya Paramesvararmedeva Dharmaraja I thế ngôi từ 1044 – 1060. Dưới thời của ông, ban đầu nhiều lần đụng độ với Đại Việt nhưng sao đó có lẽ nhận thấy sự bất lợi nên chủ động giản hòa và xây dựng mối quan hệ mới tốt đẹp. Trong đối nội, Vijaya Paramesvararmedeva I cho tu bổ và xây dựng thêm các đền tháp ở miền Nam, và ra sức củng cố vương quyền tại đây, mục đích duy nhất của ông là mong muốn gây ảnh hưởng ở khu vực phía Nam, tạo điều kiện thống nhất. Tuy nhiên, năm 1050 có lẽ ngoài dự tính, nhân dân Nam Champanduranga nổi dậy đòi li khai, tách biệt ra một quốc gia riêng biệt. Nhưng bằng biện pháp tôn giáo, cuộc nổi dậy đã yên ổn.

Sau Vijaya Paramesvaramedeva I, vua Bhadravarman IV lên ngôi nhưng tại vị thời gian ngắn (1060 – 1061) lại chuyển quyền lực sang Rudravarman IV (1061 – 1074) . Trong thời kì của ông vua này vào năm 1069 Đại Việt lại tiến đánh Champa bắt ông, sau đó trả tự do, và Champa phải nhượng lại ba châu là Bố Chính, Địa Lí, Ma Linh. Nhưng cuối năm 1074 nổ ra một cuộc chính biến buộc Rudravarman phải chạy sang Đại Việt. Cuộc chính biến đã đưa Harivarman IV lên ngôi ( trị vì từ năm 1074 – 1081), kết thúc thời kì bắt ổn, mở ra một xu hướng thống nhất.

Sự thống nhất đã băt đầu nhưng không phải là bằng bạo lực mà bằng một hình thức trước kia Vijaya Paramesvararmedeva I từng áp dụng, đó là mị dân bằng thần quyền. Nhưng Harivarman IV làm có vẻ chu đáo hơn chăng, ông dùng chính nguồn gốc có mưu đồ sắp đặt trước của mình để tiến hành thống nhất Nam và Bắc Chăm trong yên ổn. Harivarman IV trước tiên cho mình là một bộ phận của thần linh, tiếp theo cho rằng nguồn gốc của mình là xuất phát từ người cha thuộc họ Dừa (Bắc), mẹ thuộc tộc Cau (Nam). Với cái lí do bản thân vua là đại diện của thần linh lại mang trong người hai dòng máu Nam và Bắc, thì quá hoàn hảo để những người dân trong nước quá tôn sùng thần thánh tin rằng giữa Bắc Nam chính là một thể thống nhất. Nghe có vẻ gì đó là không chắc chắn, nhưng ở trình độ một nền văn minh thế kỉ XI mà trong tư tưởng của họ thần linh luôn là đấng tối cao, thì cái câu chuyện do vị vua trên đặt ra có lí và thực hiện được. Từ đây cơ sỏ của một sư thống nhất bắt đầu hình thành.

Chính sự thống nhất đã mang lại những tác động lớn lao về đối ngoại của Champa, đặc điểm lớn nhất là gây chiến với các nước láng giềng, nhưng lại nằm trong thế bị kìm kẹp bởi hai hướng với 2 quốc gia là Đại Việt và Champa. Tuy thua Đại Việt nhưng giành thắng lợi với Chân Lạp. Trong giai đoạn này các công trình như Trà Kiệu, hay Mỹ Sơn được tu bổ và xây dựng.

Đến năm 1081, Jaya Indravarman II lên thay ngôi, nhưng không lâu bị Pâng cướp ngôi lên làm vua lấy hiệu là Sri Paramabodhisatva (trị vì từ năm 1081 – 1086). Tình hình Champa lúc này tương đối ổn định, và nuôi ý định cướp lại ba châu đã mất từ tay Đại Việt.

Tình trạng hòa, đánh với Đại Việt và Chân Lạp của Champa có lẽ kéo dài suốt giai đoạn này. Hai đời vua tiếp theo là Harivarman V và Indravarman III đã giữ được mối quan hệ hòa hảo với Đại Việt. Sự phức tạp trong quan hệ đối ngoại của Champa vẫn là xoay quanh hai nước Đại Việt và Chân Lạp, có lẽ chỉ cần nói sơ qua như ở trên.

Điều quan trọng nhất phải nói về quá trình thống nhất của nó. Nhưng cũng phải kể đến những tác động đến từ hai nước láng giềng của Champa.

Vào các năm 1166 và 1170, miền Nam một lần nữa nổi dậy, và một lần nữa nổ ra nội chiến, mà có sự can thiệp của cả Đại Việt và Chân Lạp. Tuy nhiên chính việc Chân Lạp đánh Champa 1181, sau đó giành thắng lợi và chia cắt Champa làm hai miền vào năm 1190: miền Bắc – Vijaya do Jayavarman VII nắm quyền, miền Nam là vùng Panduranga do hoàng thân Vidianandana cai trị. Sau mấy năm rối ren chính trị tiểu quốc miền Nam đã thống nhất được toàn bộ Champa và Suryavarmadeva – Vidianandana lên nắm quyền. Lúc này để tránh phiền phức ông đã cắt đứt quan hệ với Chân Lạp và có phần hòa hảo với Đại Việt. Nhưng sau khi Dhanapatigrama – chú của Suryavarmadeva lên ngôi, Champa bị lệ thuộc và trở thành một tỉnh của Chân Lạp.

Tóm lại, nếu đi theo tiến trình để hiểu rõ quá trình thống nhất Champa thì hơi khó hiểu, nên có thể tóm gọn lại như sau. Sự thống nhất của Champa lúc này cao hơn giai đoạn trước. Biểu hiện cụ thể trước tiên là việc kinh đô Vijaya được chọn đặt tại nới trung tâm Champa, tiếp đó là dựng nên một truyền thuyết về tộc Dừa và Cau đại diện cho Nam Bắc, và hàng loạt các đền tháp được xây dựng ở phía Nam nhằm củng cố thần quyền và vương quyền của vua. Sự thống nhất đã mở đầu cho thời kỳ thịnh đạt của Champa giai đoạn sau.

2.1.2 Thời kì thịnh đạt của Champa (1220 – 1353).

Sau khi bị Chân Lạp chiếm đóng, năm 1220 họ không một lí do đã rút khỏi Chân Lạp, nhưng cũng không quên lập nên một chính quyền thân Ăngko, đứng đầu là Jaya Paramesvaraman II. Suốt thời gian trị vì của mình từ năm 1220 – 1252, ông theo đuổi 2 chính sách: khôi phục kinh tế và giữ thái độ kì thị với Đại Việt.

Về kinh tế, ông cho khẩn hoang đất đai, mở rộng đất canh tác, phát triển hệ thống thủy lợi. Đó là những biện pháp nhằm phục hồi kinh tế sau hàng chục năm bị chiến tranh tàn phá, nhưng cái tập trung lớn nhất lại vào nông nghiệp thì chỉ đưa đến kết quả là ổn định chứ chưa gọi đúng từ phát triển.

Về chính trị và đối ngoại, do là một chính quyền thân Ăngko ngay từ đầu có lẽ Champa ngã hẳn về phía Chân Lạp, có lẽ cũng từ đó mà đối đầu với Đại Việt. Trong quan hệ với Chân Lạp rõ ràng như vậy, nhưng đối với Đại Việt có lẽ còn bắt nguồn từ việc bị mất 3 châu ở phía Bắc trước kia, cùng với thời điểm nhân nhà Lý suy yếu đã tiến hành cướp phá. Nhưng khi mà Chân Lạp cũng suy yếu, chính sách đối ngoại của Champa vẫn là đối đầu với Đại Việt có lẽ là vì muốn mở rộng lãnh thổ.

Thời đại của Jaya Paramesvaraman II tồn tại có một vai trò nhất định của nó, đó là ổn định đất nước sau chiến tranh, để đến khi Indravarman VI lên ngôi vụt dậy và nâng tầm Champa.

Điều trước tiên khi lên ngôi là ông đã đi thăm Nam Champa, và thu được những thắng lợi, đó là sự yên ổn tại vùng Panduranga. Suốt thời gian cai trị từ năm 1265 – 1285 đã mang đến cảnh thái bình, thịnh vượng cho Champa.

Lúc này Champa không còn lo ngại và thoát dần ảnh hưởng của một Chân lạp đang tác đó là chiến thắng trước sự xâm lược của quân Nguyên (1283 – 1284), đó là sự đoàn kết lớn lao và gắn bó thân thiết của hai nước.

Sau thời đại này là thời phát triển thịnh vượn của Champa, mà ông vua có công lớn nhất là Chế Mân – Jaya Sinhavarman IV trị vì từ năm 1285 đến năm 1305. Chế Mân đã tiếp tục những chính sách của vua cha và đưa Champa đến thời huy hoàng. Biểu hiện rõ nhất là lần mở rộng lãnh thổ về phía Tây lên miền thượng nguyên – lưu vực sông Đà Rằng và Sre Pốc. Thứ hai, thương nghiệp được phát triển với việc mở lại các cảng thị mà quan trọng nhất là cảng Tini – Thilibinai. Bên cạnh phát triển về thương nghiệp và mở rộng lãnh thổ nhân dân Champa lại một lần nữa đối đầu với quân Nguyên, nhưng bằng chính sách ngoại giao mềm dẻo của Chế Mân cuộc xâm lược đã không diễn ra. Trong khi đó đối với Đại Việt, mối quan hệ lại được tiếp tục phát triển mà việc công chúa Huyền Trân, con Trần Nhân Tông được gả cho Chế Mân là biểu hiện rõ nhất. Người Champa chịu mất châu Ô và châu Lý để đổi lại sự ổn định cơ bản để phát triển đất nước, đó là mọt lựa chọn thông minh. Tuy về sau có một chút hiềm khích nhưng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước vẫn cố được duy trì.

Như vậy với những điều nêu trên có thể khẳng định đây là giai đoạn thịnh vượn nhất của vương quốc Champa sau mấy thế kỉ bất ổn về chính trị.

2.1.3 Thời kì khủng hoảng và suy vong từ giữa thế kỉ XIV.

Sự khủng hoảng bắt đâu vào những năm 1353 sau vua Trà Hoa Bố, qua tám đời vua, đến năm 1471.

Có lẽ không cần đi vào tiến trình lịch sử một cách cụ thể giai đoạn này, điều cần thiết là chỉ ra đâu là nguyên nhân đẩy một Champa đang ổn định và phát triển trước đó đi đến bờ dần dần của sự tàn lụi.

Dấu mốc của sự sụp đổ có lẽ là nằm ở những gì ông vua Chế Bồng Nga (Po Binnosuor) khoảng từ năm 1328 đến năm 1373. Lúc này, quan hệ ngoại giao của Champa có sự thay đổi đột ngột, đi từ thân thiết sang đối đầu với Đại Việt. Chế Bồng Nga ra sức xây dựng quân đội, dồn tất cả nguồn lực cho hàng chục cuộc tiến công lên hướng Bắc. Trong 30 năm đã tiến hành trên 15 trận đánh lớn, và có khi chỉ trong 8 năm năm nào cũng đánh, có hai lần đến tận Thăng Long cướp phá, và trở về, lúc này ở Đại Việt đang là lúc mà nhà Trần suy yếu. Nguyên nhân mà Champa đột ngột thay đổi chiến lược ngoại giao của mình có lẽ là do “mấy chục năm thái bình và phong túc, nên tưởng là mình mạnh”[6]. Chính việc gây chiến liên miên mà làm cho đất nước kiệt quệ không chỉ ở kinh tế mà còn khủng hoảng sâu sắc trong nội bộ, sự phản đối của quần chúng là một phần làm cho Champa dần dần suy yếu và cái chết của Chế Bồng Nga.

Nhưng cái chết của ông không phải là dấu chấm hết trực tiếp của Champa, mà chính những chính sách độc đoán của mình.

Sau giai đoạn của Chế Bồng Nga, đến sau năm 1471 Champa không còn giữ được vai trò lịch sử của nó nữa. Tuy còn tên nước, còn một thể chế ở miền Nam, nhưng thật sự đó chỉ mang tính chất địa phương – một chính quyền thu hẹp đúng nghĩa. Sự kiệt quệ về nhiều mặt kinh tế, văn hóa còn tiếp tục đến cuối trung đại theo một đường tuột dốc khi không bắt kịp những thành tựu mới của “làn sóng văn minh thứ Hai”[7].

2.2 Sự phát triển kinh tế – xã hội.

2.2.1 Kinh tế bước vào giai đoạn phát triển.

Nếu như trước đây kinh tế nông nghiệp ở Champa chiếm ưu thế thì có lẽ đến giai đoạn này với những yếu tố mới bên ngoài và bên trong tác động đã thúc đẩy một nền thương nghiệp phát triển. Và trước kia người Chăm không phải không biết tận dụng biển nhưng chỉ mới thu lợi từ các nguồn hải sản và khoáng sản biển.

Trước đây vai trò của người Ấn hay người Hoa được thấy rõ nét nay đã có các thuyền của phương Tây men theo tuyến đường thương mại Đông Tây đến trú chân ở Champa. Chính những thương gia phương Tây và Nhật Bản chính là những người ghi chép truyền bá sự giàu có của Champa, chính từ đây mà vương quốc này được biết đến một cách rộng rãi.

Trong giai đoạn thịnh vượng từ thế kỉ X đến XV, Champa đã thật sự trở thành một đầu mối, một trung tâm thương mại liên vùng. Và trước kia họ đã bắt đầu kiểm soát biển Đông, với vị trí thuận lợi trải dài quanh biển này mà đến giai đoạn phát triển của nó, bắt đầu Champa không chỉ kiểm soát ven bờ nữa mà nay mở rộng đến tận Philipin và Nam Đảo. Những mảnh gốm Champa tìm thấy được ở Butuan, Mindanao – những vương quốc cổ ở Philipin đã cho thấy việc mua bán của người Chăm trên biển và sự kiểm soát thương mại của họ lớn đến đâu.

Tuy thương nghiệp phát triển nhưng cơ bản Champa vẫn là gốc nông nghiệp – nông vi bản. Suốt 10 thế kỉ đầu, nông nghiệp có một vị trí quan trọng và đến nay vị trí đó càng được nâng cao hơn trong kinh tế của Champa. Sự phát triển nông nghiệp thời kì này không biểu hiện ở chỗ mở rộng đất canh tác mà chính là việc người dân nâng cao năng suất nông phẩm, với kĩ thuật được cải thiện và hệ thống thủy được mở rộng.

Ngoài ra nghề đánh cá, thủ công nghiệp với các ngành như sản xuất gốm, gạch, thủy tinh, trang sức đã phát triển. Mà đáng chú ý nhất là đồ trang sức, khắc tượng, phù điêu và trang phục, là thứu không thể thiếu trong hành lễ và phục vụ vua chúa nên cũng là những nghề đặc biệt được triều đình chú trọng, từ đó mà cũng phát triển, nhưng nguyên nhân sâu xa chính là nằm ở sự ổn định chính trị lâu dài tạo ra, đặc biệt là thời Chế Mân.

2.2.2 Văn hóa.

Thời kì này chính là sự kế thừa và phát huy những nền tảng văn hóa giai đoạn trước, điều này thể hiện rõ qua các mặt như chữ viết, kiến trúc, điêu khắc, ca múa nhạc. Đặc biệt có một sự tương tác văn hóa diễn ra mạnh mẽ. Cụ thể như thế nào sẽ đi lần lượt từng lĩnh vực một.

Thứ nhất về chữ viết, từ chữ Chăm cổ và chữ Phạn, người Chăm dần dần hoàn thiện hệ thống kí tự riêng cho mình. Ngôn ngữ – tiếng Cahwm được diễn đạt lưu loát hơn trong các văn bia nhưng khi nói về những điều lớn lao như các vị thần, công đức của vua họ lại dùng chữ Phạn, nhưng đôi lúc cũng có ngoại lệ. Trên các cửa đền Po Klong Garai có một loại chữ Chăm mới vuông và giống với kí chữu Phạn, không thiếu ngay ngắn như trước kia. Đến thế kỉ XIV chữ Chăm cổ đã tương đối hoàn thiện về mặt từ ngữ và cách diễn đạt, như chữ bớt vuông, thanh thoát hơn, có hình cánh chim bay.

Thứ hai, về nghệ thuật kiến trúc, sự phát triển của nó có lẽ thể hiện qua bốn phong cách sau: đầu tiên là Mỹ Sơn E1 là dạng cổ với đặc trưng trên bệ thờ làm bằng đá cát là hình dạng linga xung quanh có chạm khắc giáo sĩ, “vòm cửa E1 có hình cung dang rộng, thoáng đãng mềm mại, hai đầu tách đôi uốn cong lại, trên nền trơn thoáng”[8], nhưng thời này đặc trưng cho sự phát triển là ở Mỹ Sơn A1 xây khoảng giữa thế kỉ X, tháp cao hơn E1 và điêu khắc nhìn sinh động hơn, có một phần ảnh hưởng của kiến trúc Java, vòm có hình đường cong gập, nhưng được tạo thành 3 dãi băng trơn, trông nhẹ nhàng và thoải mái hơn Đồng Dương – cong khum nhiều hơn, có 3 đến 4 dải giữa là dài trơn hẹp, trên đỉnh có một bông hoa đại đóa. Thứ hai nhóm tháp phía nam, gọi là phong cách Hòa Lai, vòm cửa nhọn dần lên trên, trụ hình bát giác và trang trí hình những chiếc lá uốn cong. Phong cách thứ ba là phong cách chuyển tiếp giữa Mỹ Sơn A1 và Bình Định. Trước kia A1 có văn trang trí hình cánh lá uốn cong xoắn xuýt – hình trứng nay là hình cánh mũi giáo hay hình cung gãy, thấy ở phong cách Bình Định. Cuối cùng là phong cách Bình Định với nhóm tháp nằm ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định ngày nay. Kiểu kiến trúc này với tháp có vòm cửa hình mũi giáo, tiêu biểu cho nghệ thuật Chăm sau này.

Thứ ba về điêu khắc, là sự gắn liền với kiến trúc. Nổi bật với ba loại phong cách là phù điêu trà Kiệu, Chánh Lộ và phong cách Bình Định. Ở Trà Kiệu tượng điêu khắc ăn mặc chỉnh tề, cân đối, đầy sức sống nhưng hơi căng thẳng, ở Chánh Lộ thì uyển chuyển và mềm mại hơn, còn ở Bình Định có nét hơi thô, không sinh động, không đẹp vì có lẽ đây là giai đoạn suy thoái về nhiều mặt trong đó có điêu khắc.

Thứ tư về ca múa nhạc, họ có bộ nhạc cụ riêng, như trống lớn, dùng tay vỗ, kèn Sarana, trống nhỏ hai mặt vỗ bằng tay,… Còn tồn tại đến ngày nay. Trong nghệ thuật múa có cả múa lụa, múa khi thổi kèn,… Đặc biệt có vũ điệu Apsara chuyên phục vụ các lễ nghi quan trọng.

Cuối cùng nếu điểm qua các mặt văn hóa Champa mà không nói đến sự tương tác thì quả thật là nói suông. Có lẽ trong những trận chiến, xâm lược hay bị xâm lược ít nhiều văn hóa cũng đã có sự qua lại. Nhất là Chân Lạp với văn hóa của người Khơme mà biểu hiện cho sự tương tác đó là phong cách kiến trúc ở Hòa Lai, Mỹ Sơn A1 như đa phân tích ở trên. Những tương tác văn hóa đó là nguyên nhân quan trọng làm cho văn hóa Champa đa dạng và phát triển hơn thời kì trước.

Tóm lại, những dâu ấn văn hóa Champa giai đoạn này cho đến ngày nay là một phần của văn hóa và góp phần vào sự giàu có của văn hóa Việt Nam mà chủ nhân hiện tại đang gìn giữ là vùng đất miền Trung Việt Nam.

2.2.3 Xã hôi – Chính trị – quân sự.

Đến giai đoạn này xã hội Champa vẫn theo chế độ mẫu hệ, tuy nhiên trong chính trị thì vai trò của người đàn ôn là cao hơn. Xã hội lúc này đánh dâu sự phát triển mạnh của tầng lớp quý tộc, họ bắt đầu có những cơ sở kinh tế riêng, tiếng hành cát cứ, nâng cao thế lực, đó là nguyên nhân tạo nên sự bất ổn lâu dài trong chính trị.

Ở giai đoạn này hai đẳng cấp dưới là nông dân và nô lệ vẫn giữ vị trí và vai trò như trước, là nững người sản xuất, phục vụ lễ nghi, vua chúa, họ vẫn bị ràng buộc bởi làng xã, và ruộng đất công xã.

Để có một Champa phát triển cực thịnh như vậy, ngoài chú tâm phát triển kinh tế, các vua đã đi vào hoàn thiện bộ máy nhà nước. Với việc thống nhất Bắc và Nam Chăm, vua đã là người trị vì toàn bộ đất nước, ở mỗi vùng thì có một hoàng thân cai quản, dưới vua vẫn là ba cấp quan từ trung ương đến địa phương, đất nước chia làm các huyện, tỉnh,…Nhưng chính sự khác biệt ở mỗi vùng về địa lí và phong tục, điều kiện cụ thể từng vùng mà làm cho bộ máy đó không hoàn chỉnh trên thực tế. Tuy nhiên để duy trì bộ máy và phục vụ mục đích chiến tranh cũng như là bảo vệ đất nước trong thời kì chiến tranh liên miên, thì cần có một quân đội mạnh, và đến Chế Bồng Nga, quân đôi Champa thật sự làm được điều đó.

Tóm lại, chính những người quý tộc đã ảnh hưởng rất nhiều đến xã hội và chính trị Champa giai ddaonj thịnh đạt và phát triển từ cuối thế kỉ X đến cuối thế kỉ XV.

2.3 Nhận xét.

Lịch sử Champa giai từ thế kỉ XI đến cuối thế kỉ XV thật sự phức tạp nhưng có thể tóm lại ba thời kì chính sau đây:

Thế kỉ XI – XII là giai đoạn suy thoái, khủng hoảng bởi: trong thế kỉ này Champa và Đại Việt có một mối quan hệ không mấy tốt đẹp, sau mấy thế kỉ trước Bắc tiến, có khi đanh vào cả Hoa Lư năm 979, nhưng sau đó lại thất bại trước Đại Việt. Đến thế kỉ XII lai đụng độ với Cambot, và sau cuộc chiến tranh 100 năm Champa rơi vào tình trạng chia cắt, phân liệt, khủng hoảng.

Thế kỉ XIII – XIV là thời kì phục hồi và đạt đến đỉnh cao: đó là sựu phát triển mạnh kinh tế, cùng với chính sách đối nội đối ngoại khôn ngoan đã vụt dậy cả Champa đang ngủ yên trong khủng hoảng.

Cuối thế kỉ XIV lại rơi vào tình trạng suy thoái và dân dần đánh mất vai trò lịch sử mà nguyên nhâ chủ yếu là do chính sách đôi nội và đối ngoại cực đoạn thiếu hợp lí.

C . Phần kết luận.

Champa từ thế kỉ II đến cuối thế kỉ XV là một phần quan trọng của lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử miền Trung nói riêng. Nhưng để hiểu rõ tường tận là một điều không hề dễ dàng chút nào. Nhưng ở đây có thể rút ra mấy nét như sau.

Cũng như các quốc gia cổ đại ở Đông Nam Á, Champa không thoát khỏi cái vòng ảnh hưởng văn hóa từ các nền văn minh lớn mà từ Ấn Đô và Trung Hoa là chủ yếu. Nhưng khác với trường hợp của các quốc gia Băc Đông Nam Á, văn hóa Ấn mới là cái chủ đạo ảnh hưởng đến Champa chứ không phải là Trung Hoa. Bên canh đó, dựa trên những cơ sở văn hóa bản địa, nhưng đã có sự giao thoa từ việc sống cộng cư giữa nhóm ngữ hệ Mã Lai – Nam Đảo với Môn – Khơme, giữa người biển và rừng, nhưng có lẽ văn hóa biển chiếm ưu thế hơn cũng như nhóm người theo ngữ hệ Malayo – Polynesien chiếm ưu thế. Chính đều này đã tạo nên nền văn hóa tiền Sa Huỳnh, rồi đến Sa Huỳnh kết hợp với văn minh Ấn Độ đã đưa cư dân nơi đây đến ngưỡng hình thành nhà nước. Nhưng chỉ khi có một nguyên nhân trực tiếp mà ở đây là chống ngoại xâm – nhà Hán mới thực sự cho ra đời Lâm Ấp – Champa.

Suốt 15 thế kỉ thực sự có vai trò trong lịch sử Champa đã trải qua nhiều giai đoạn như: Sinhapura, Virapura, Indrapura, Vijaya. Mỗi thời kì có một đặc điểm riêng nhưng nhìn chung vẫn là sự đấu tranh và phát triển để đi tới thống nhất. Có thời kì làm được nhưng có thời kì phá vỡ nó. Chính những cơ sỏ xã hội mà đặc biệt là đẳng cấp trên – quý tộc với hệ thống tôn giáo của mình tạo nên những khác biệt giữa các vùng mà tiêu biểu là Nam và Bắc Champa. Sự đấu tranh giành quyền cai trị đã diễn ra, nhưng một lần nữa ta thấy được vai trò của thần thánh troing cuộc sống Champa, đó là công cụ đắc lực để đi đến thống nhất thay vì dùng bạo lực.

Nói về văn hóa, mặc dù là mang tiếng ảnh hưởng mạnh từ Ấn Độ nhưng người Chăm đã có những sáng tao riêng và mang nét riêng cho mình, đó là chữ Chăm cô, hay sự gia giảm văn hóa tôn giáo Ấn Độ. Chính hệ thống Ấn giáo đã quy định nên đặc điểm xã hội và các nghĩa vụ của các tầng lớp. Đặc biệt nó là công cụ để củng cố vương quyền rất hiệu quả cho vua chúa.

Suốt từng đó thế kỉ, Champa luôn thay đổi chính sách đối nôi và đối ngoại cảu mình, mà trong đối ngoại hai hướng chính họ đặc biệt quan tâm là Đại Việt phía Bắc và Chân Lạp ở phía Tây. Những thời kì khác nhau Champa lại ngả về một hướng, và chính bất cẩn giai đoạn trị vì của Chế Bồng Nga trong đối nội lẫn đối ngoại là nguyên nhân làm Champa dần dần mất đi vai trò lịch sử của mình, và còn một nguyên nhân nữa là do họ không theo kịp nền văn minh thứ Hai của nhân loại.

Tóm lại lịch sử Champa có những lúc bất ổn, những lúc phát triển, nhưng dù sao cũng đã để lại vô vàng những di tích lịch sử, văn hóa cho thế hệ sau. Việc hiểu rõ về Champa cùng với chuyến đi thực tế miền Trung là những kiến thức quý giá của một người học sử.

Vấn đề Champa trong tương lai cần làm được làm rõ hơn, đặc biệt là những nút thắt trong thời cổ đại để tiến trình lịch sử Việt Nam được rõ ràng, hoàn chỉnh nhất

NGUYỄN HUỲNH ĐĂNG KHOA

Nguồn: Nghiên cứu lịch sử

Chú thích:

[1] Phan Huy Lê (chủ biên), Lịch sử Việt Nam tập I, trang 223.

[2] Lương Ninh, Lịch sử Đông Nam Á, NXB Giáo Dục, trang 34.

[3] Phan Huy Lê (chủ biên), Lịch sử Việt Nam tập I, NXB Giáo dục Việt Nam, trang 256.

[4] Lương Ninh, Một con đường sử học, NXB Đại học Sư phạm, trang 320.

[5] Lương Ninh, Một con đường sử học, NXB Đại học Sư phạm, trang 320.

[6]Lương Ninh, một con đường sử học, NXB Đại học Sư phạm, trang 333.

[7]Lương Ninh, một con đường sử học, NXB Đại học Sư phạm, trang 334.

[8]Phan Huy Lê (chủ biên), Lịch sử Việt Nam tập I, NXB Giáo dục Việt Nam, trang 845.

Tài liệu tham khảo

Đinh Trung Kiên, tìm hiểu nền văn minh Đông Nam Á, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2009.
Ngô Văn Doanh, Thánh địa Mỹ Sơn, Nhà xuất bản trẻ, 2010.
Lương Ninh, Một con đường sử học, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, 2015.
Lương Ninh, Lịch sử Đông Nam Á, Nhà xuất Giáo dục, 2005.
Lương Ninh, Lịch sử vương quốc Champa, Nhà xuất bản Đại học quốc gia, 2009.
Phan Huy Lê (Chủ biên), Lịch sử Việt Nam tập I, 2012.
Phạm Đức Dương, Lịch sử văn hóa Đông Nam Á, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 2013.

Leave A Reply

Your email address will not be published.