Mùa hè 1956, tôi tháp tùng Mao và Bộ Chính Trị đi thị sát thành phố Quảng Châu và ở lại nơi đó một thời gian. Thành phố Quảng Châu vào mùa hè, trời rất là oi bức. Mao sống trong Dinh Thự số 3 với những căn phòng rộng thênh thang. Mỗi ngày các nhân viên phục dịch phải mang vào chỗ Mao ở năm thùng nước đá để làm dịu bớt không khí nóng nực của mùa hè Quảng Châu. Chúng tôi không có tiêu chuẩn nước đá, chỉ được xài quạt điện. Ðêm xuống muỗi ơi là muỗi. Muỗi tràn ngập khắp nơi, không những chúng tôi chịu không nổi mà ngay cả Mao cũng trách mắng nhân viên hầu cận mỗi khi ông ta bị muỗi cắn. Mãi đến sau nầy khi bộ y tế nhập cảng được ít thuốc diệt muỗi DDT từ Hồng Kông tình trạng mới bớt căng thẳng.
Tôi cố thuyết phục Mao không nên ở lại Quảng Châu quá lâu nhưng Mao lại có ý định chính trị khác nên cứ chần chừ không muốn trở lại Bắc Kinh. Trong thời gian vắng bóng Mao, ở Bắc Kinh đã xuất hiện một làn sóng dư luận và báo chí phê bình “Chủ nghĩa phiêu lưu”. Những bài báo nầy lần lượt xuất hiện trên Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Ðảng và Nhà nước Trung Hoa. Nội dung các bài báo đề nghị việc phát triển công nghiệp và nông nghiệp phải nên được tiến hành song phương và đều đặn. Không ai có thể ngờ những màn phê bình chỉ trích chính sách của Mao là do chính Mao đạo diễn để gài bẫy các thành phần chống đối.
Vài hôm sau khi tôi thất bại trong việc thuyết phục Mao trở về Bắc Kinh, Uông Ðông Hương và La Thoại Khanh tới gặp tôi để hỏi ý kiến về mức độ trong sạch của nước trên sông Trân Hà. Mao Trạch Ðông quyết định sẽ bơi qua 3 con sông lớn nhất Trung Hoa: Trân Hà ở Quảng Châu, Trường Giang ở Hồ Nam và Dương Tử ở Hồ Bắc. Nói chung, không ai muốn cho Mao bơi trên bất cứ con sông nào trong số ba con sông kể trên vì cả ba đều là những con sông rất lớn và rất nguy hiểm. Tuy nhiên công việc thử nghiệm chưa kịp thực hiện Mao đã quyết định bơi.
Sáng hôm đó Mao từ phòng ngủ bước ra trong bộ áo tắm dài màu trắng. Tôi, Uông Ðông Hưng, Dương Thượng Côn v.v vội vã chạy theo sau. Từ khi Mao quyết định cho đến khi ông ta nhảy xuống sông quá nhanh chóng đến nỗi ngoại trừ Mao không ai kịp thay đồ tắm cho đàng hoàng, tất cả đều mặc đồ lót hì hục bơi theo Mao.
Mao bơi rất nghề và thoải mái trong khi tôi ráng hết sức chỉ mong khỏi bị chết chìm. Mao như hiểu sự khó khăn của tôi nên gọi tôi bơi lại gần để dặn dò “Bác Sĩ có vẻ sợ chìm, đừng nghĩ về chuyện đó. Nếu nghĩ mình sẽ chết chìm, có khi chìm thật đấy”. Chúng tôi bơi dọc sông Trân Hà chừng hai tiếng đồng hồ, nghỉ để tắm rửa và ăn trưa. Giang Thanh cũng đến cùng ăn trưa với chúng tôi. Mao vui vẻ như vừa thắng trận, vừa cười vừa nói “Mấy người nói rằng nước sông Trân Hà dơ dáy, nhưng chỉ cho tôi coi có cái gì là thuần túy trong sạch đâu? Mọi thứ đều có chất dơ. Nếu các người nuôi cá bằng nước chưng cất, chúng sẽ chết ngay”.
Tối hôm đó Mao nói với tôi “Tôi muốn bơi trên cả ba con sông, La Thoại Khanh và Uông Ðông Hưng cứ ngăn ngăn cản cản mặc dù sáng nay họ đã thấy không có chuyện gì xảy ra cả”.
Liên Xô đang chuẩn bị tổ chức bốn mươi năm thành lập Cộng Hòa Liên Bang Xô Viết vào tháng 11 năm 1957 và Khrushchev đã gởi thư mời các lãnh tụ Cộng đảng trên khắp thế giới đến tham dự, trong đó dĩ nhiên có cả Mao Trạch Ðông. Mao năm đó 63 tuổi và chỉ đến Liên Xô một lần trước đó nhân dịp đàm phán các hiệp ước hữu nghị với Stalin. Tình hình Trung Quốc đã ổn định, chiến dịch chống hữu khuynh đã thành công rực rỡ. Theo lời Bộ Trưởng Ngoại Giao Trần Nghị kể lại với tôi có hơn nửa triệu trí thức đã bị phân loại là phần tử hữu khuynh và bị gởi đến các trại tập trung.
Chủ nghĩa xã hội tại Trung Quốc đang trên đà chiến thắng. Cách mạng được thực hiện một cách khẩn trương ráo riết từ thôn quê cho đến thành thị. Mao muốn đi Liên Xô. Trong thâm tâm Mao muốn đi Liên Xô không phải chỉ để tham dự ngày hội nhưng đến như một kẻ chiến thắng, đến để thách thức Khrushchev. Ngày 2 tháng 11 năm 1957, Mao cầm đầu một phái đoàn hùng hậu lên đường thăm Liên Xô. Ngoài tôi ra còn có Bác Sĩ Hoàng Thụ Tất, Phó Giám Ðốc Cục Y Tế Trung Ương cũng tháp tùng Mao để lo lắng sức khỏe cho đoàn đại biểu. Giang Thanh sau đó lại đề nghị thêm Bác Sĩ Lý Huệ Dân gia nhập ban y tế chúng tôi. Việc chuẩn bị sức khỏe của Mao trong chuyến đi cũng rất là phiền toái vì Bác Sĩ Lý Huệ Dân là Ðông Y Bác Sĩ. Ở Liên Xô chắc chắc không thể tìm đâu ra những món thuốc tàu mà ông ta có thể sẽ cần dùng trong việc chăm sóc sức khỏe cho Mao. Ngoài các bác sĩ ra, ban y tế còn có sự phụ giúp của bà Ngô Húc Quân, với tư cách là y tá trưởng ở Trung Nam Hải. Liên Xô cũng gởi đến trước một bác sĩ để giúp đỡ khi chúng tôi cần đến.
Liên Xô gởi hai chiếc máy bay sang để đón Mao và phái đoàn. Cả hai đều thuộc loại TU-104s. Mao, Tống Khánh Linh, Bác Sĩ Liên Xô và tôi cùng ngồi trong một chiếc. Phần còn lại của đoàn tùy tùng ngồi trên chiếc sau. Trong suốt hành trình từ Bắc Kinh qua Mạc Tư Khoa, Mao chẳng hề đá động gì đến thức ăn do các tiếp viên phi hành chuẩn bị, trong lúc viên bác sĩ Liên Xô lợi dụng cơ hội để uống vài ly Vodka miễn phí ngay từ khi máy bay vừa cất cánh.
Nikita Khrushchev chào đón Mao và đoàn tùy tùng ngay tại phi trường. Cùng ra tiếp đón Mao tôi cũng nhận thấy cả nhân vật số hai Nikolai Bulganin và ông bạn cũ của tôi là Anastas Mikoyan. Mikoyan tay bắt mặt mừng khi gặp lại tôi, tuy nhiên vì chúng tôi không có thông dịch viên riêng nên cả hai chúng tôi mạnh ai nấy nói mà chẳng ai hiểu ai đã nói gì. Tôi đoán mò là ông ta nhắc lại căn bịnh mà tôi đã giúp để chữa trị mấy năm trước đây. Khrushchev rất kính trọng và tỏ ra niềm nở với Mao. Ông ta đích thân tháp tùng Mao đến tận dinh thự nơi Mao và phái đoàn ở lại. Dinh thự nguy nga là nơi cư ngụ trước đây của Nữ Hoàng Nga Catherine. Về phần Mao, ông ta lại tỏ thái độ hơi lạnh nhạt với Khrushchev. Trên đường từ phi trường về nơi cư ngụ, Mao lưu ý thái độ thờ ơ của người dân Liên Xô không giống như tinh thần “hồ hởi phấn khởi” ở Trung Quốc sau cách mạng. Mao thố lộ nhận xét của ông ta với chúng tôi ngay trong ngày đầu tiên đến Mạc Tư Khoa “Khrushchev không có sự ủng hộ của nhân dân kể từ khi ông ta bắt đầu chiến dịch hạ bệ Stalin”.
Tôi, Diệp Tử Long, Hoàng Kính Tiên, Lý Ngân Kiều, Lâm Khắc và bộ tham mưu riêng của Mao ở chung một dinh thự. Ðoàn đại biểu đảng và nhà nước Trung Quốc do Mao lãnh đạo gồm Tống Khánh Linh, Ðặng Tiểu Bình, Bành Chân, Bành Ðức Hoài, Lục Ðịnh Nhất, Dương Thượng Côn, Trần Bá Ðạt, Hồ Kiều Mộc cũng ở trong dinh thự nầy. Mao tỏ ra đắc ý và phấn khởi về sự tiếp đón đã dành cho ông ta và phái đoàn hoàn toàn khác với chuyến đi phó hội năm 1949. Mao nhận xét cách đối xử của Liên Xô với một giọng điệu bén nhọn và chấm dứt với một nụ cười mỉa mai, “Hãy nhìn sự vào sự đối xử hoàn toàn khác mà họ đang dành cho chúng ta. Ngay cả khi đứng trên đất Cộng sản của chính họ, họ cũng phải biết rằng ai mạnh ai yếu, thật là đồ đáng khinh”. Chưa bao giờ tôi nghe từ cửa miệng Mao thoát ra một giọng điệu đầy miệt thị và chua chát như thế.
Chúng tôi thăm viếng và đặt vòng hoa trước chiếc quan tài bọc kính của Lê Nin và Stalin. Thi hài của hai lãnh tụ Cộng Sản Liên Xô nằm co rút và khô cứng. Tôi biết nhiều phần thân thể của họ đã bị rã nát và được thay thế bằng sáp. Lúc đó tôi chưa nghĩ gì đến hai chục năm sau lại tới phiên tôi phải lo lắng việc lưu trữ xác Mao. Mao chẳng quan tâm hay tò mò gì mấy đến sinh hoạt văn hóa Nga. Ông ta ăn uống một mình. Mặc dù trong mỗi bữa ăn đều gồm cả hai loại thức ăn, Nga và Tàu nhưng Mao chỉ ăn những món Hồ Nam do chính đầu bếp của ông ta nấu mà thôi. Giống Mao, tôi cũng không hợp với đồ ăn Nga cho nên trong một tối Mao rủ tôi cùng ăn, tôi không ngần ngại ngồi xuống ăn uống ngon lành ngay. Mao nhìn tôi ăn mà cười “Tôi biết ngay là Bác Sĩ chưa ăn tối mà”.
Một đêm, Khrushchev mời Mao tham dự buổi trình diễn vũ khúc Swan Lake nổi tiếng thế giới do của đoàn vũ Ba-Lê Liên Xô thực hiện. Chưa xong phần hai, Mao đã tỏ vẻ chán nản ngay. Ông ta quay sang Khrushchev nói “cả đời tôi cũng không thể nào nhảy như thế được, còn đồng chí thì sao”. Khrushchev gật đầu “tôi cũng vậy”. Cuốn màn hai, Mao quay sang tôi “Họ nhảy kiểu gì kỳ quặc vậy? Tại sao lại phải nhảy bằng đầu ngón chân, tôi cảm thấy thật khó chịu, tại sao lại không múa bình thường?” Tôi không nghĩ là Mao không biết một tí gì về vũ BaLê nhưng Mao chỉ chứng tỏ rằng mình chẳng thèm quan tâm đến văn hóa Nga mà thôi. Trong những buổi chiêu đãi mà Mao tham dự trong thời gian thăm viếng Liên Xô, chỉ có hôm thăm viếng sinh viên Trung Quốc đang du học tại Liên Xô là Mao tỏ ra vui vẻ thật tình.
Diễn hành kỷ niệm bốn mươi năm thành lập nhà nước Liên Bang Xô Viết được tổ chức vào ngày 7 tháng 11. Tất cả chúng tôi được đưa tới quảng trường đỏ để xem diễn hành. Mao và Khrushchev đứng trên hành lang của Lăng Lê Nin. Tôi đứng bên cạnh lãnh tụ Cộng Ðảng Estonia. Ông ta, bằng một tiếng Anh thông thạo, nói với tôi rằng hy vọng một ngày ông ta sẽ viếng thăm Trung Quốc, một nơi mà ông ta gọi là xa xôi và huyền bí.
Mặc dù nhiều khác biệt vẫn còn tồn tại giữa Mao và Khrushchev, Mao đã tỏ ra hài lòng với nội dung của bản thông cáo chung được công bố như kết quả của chuyến viếng thăm Liên Xô. Mao nói “vào năm 1984, khi Marx và Engels công bố Tuyên Ngôn Ðảng Cộng Sản và phát động phong trào Cộng Sản trên toàn thế giới. Bây giờ 100 năm sau bản Tuyên Bố Mạc Tư Khoa đã tóm tắt lại phong trào đó và phát họa ra tương lai của chủ nghĩa Cộng Sản”. Mao tiên đoán trong vòng 15 năm, Xô Viết sẽ bỏ xa Hoa Kỳ trong tổng sản xuất sắt thép và Trung Quốc sẽ qua mặt Anh Quốc. Nói chung trong vòng 15 năm, thế giới Cộng Sản sẽ mạnh hơn thế giới tư bản. Trong điều kiện đó, nhân loại sẽ chín mùi cho một cuộc cách mạng Cộng Sản trên phạm vi toàn thế giới. Trong đầu óc của Mao hôm đó đã thai nghén chương trình kinh tế sau đó được Mao gọi là “bước tiến nhảy vọt”.
Sau nầy trong hồi ký của Khrushchev, ông ta có nhắc lại diễn văn của Mao và ví Mao như là con cóc nằm đáy giếng thấy trời bằng vung. Mao không có một cơ sở nào để quả quyết rằng chủ nghĩa Cộng Sản có thể vượt qua được chủ nghĩa Tư bản. Tuy nhiên mầm mống của chính sách điên rồ “Bước Tiến Nhảy Vọt” đã bắt đầu nhen nhóm từ dạo đó.
Nguyên Tác Hoa Ngữ: Mao Trạch Ðông, Tư Nhân Bác Sĩ Hồi Ký Lục
Tác Giả: Dr. Li Zhisui (Bác Sĩ Lý Chí Thỏa)
Trần Trung Ðạo trích và lược dịch
Trí Việt trích đăng với sự đồng ý của dịch giả.