Mao Trạch Đông Cuộc Đời Chính Trị Và Tình Dục: Máy nghe lén trong phòng Mao

Lý Chí Thỏa

0 209

Ðàn bà trở nên quan trọng hơn khi một trong số họ đã khám phá ra các máy nghe lén bí mật. Ðiều nầy xảy ra không lâu sau Tết, năm 1961 khi chúng tôi trên đường đi Quảng Châu bằng chiếc xe lửa đặt biệt của Mao. Uông Ðông Hưng có vẻ cũng tiên đoán rằng chuyến đi sẽ gây nhiều rắc rối vì có nhiều phụ nữ đi theo Mao trong chuyến đi nầy. Ngay sau khi tàu chuyển bánh, họ Uông nói với tôi “hai người đàn bà ở chung nhau còn ồn hơn là cái chuông điện.” Ngoài những nữ phục vụ, còn có những thư ký, những người cũng công khai nói về những liên hệ riêng của họ và Mao. Tôi thật là bất ngờ khi gặp một cô giáo mà tôi biết cũng có mặt trong đám nầy. Cô giáo trẻ đẹp nầy tôi đã gặp một lần trong đêm dạ vũ do Mao tổ chức, từ đấy họ giữ quan hệ với nhau. Ðây là lần đầu tiên Mao mời cô giáo đi theo cho biết thế giới chung quanh vì cô ta chưa bao giờ rời khu Trung Nam Hải.

Vợ của một sĩ quan cao cấp, một thiếu phụ trong tuổi tứ tuần, nước da ngâm đen, bộ điệu chán nản cũng có mặt trong đoàn. Theo lời kể thì bà ta biết Mao từ những ngày còn ở Diên An. Mao gởi nàng qua Liên Xô sau khi câu chuyện tình thầm kín của Mao và bà ta bị lộ. Sau đó Mao tìm cách sắp xếp để gả bà ta cho một sĩ quan. Giang Thanh biết chuyện nầy từ lâu và tìm cách để giáng chức viên sĩ quan nọ nhưng không thành vì ông ta là người thân cận với Bành Ðức Hoài, lúc đó còn là Thống Chế Bộ Trưởng Quốc Phòng. Mãi tới năm 1959 Bành Ðức Hoài bị hạ bệ, Giang Thanh thúc giục Lâm Bưu để giáng chức chồng bà kia. Ðó cũng là lý do bà ta có mặt để van xin Mao bao bọc cho chồng.

Mao gọi bà ta vào phòng riêng của y nhiều lần trong lúc tàu đang chạy và trong đêm đầu sau khi đến Hàng Châu tôi thấy bà ta ở lại nhiều tiếng đồng hồ trong phòng riêng của Mao. Ngay sau khi bà ta rời phòng Mao, bà ta bỗng dưng biến mất. Mãi tới sáng hôm sau thì người ta mới tìm thấy bà đang ngồi trên dốc đá dọc bờ hồ và khóc. Mao và bà ta cãi cọ một hồi sau đó Mao gởi bà ta về Bắc Kinh.

Xe lửa phải dừng lại một thời gian ngắn để Mao gặp viên Bí Thư thứ nhất tỉnh Hồ Nam. Cuộc gặp gở diễn ra trên xe lửa của Mao và Mao lại là người đến trễ. Mao bận rộn dan díu với đàn bà trong lúc viên bí thư tỉnh và phái đoàn phải chờ bên phòng bên cạnh. Cuối cùng Mao cũng xuất hiện. Tôi cùng với cô giáo viên, và một nhân viên kỷ thuật trách nhiệm về ghi âm những lời nói của Mao. Nhân viên ghi âm bất ngờ nói với cô giáo “tôi nghe những gì chị nói hôm nay”, “Anh nghe gì tôi nói về chuyện gì ?” cô giáo viên đáp lại. Tên nhân viên kỷ thuật trả lời “Khi viên bí thư tỉnh đến, tôi nghe chị hối Mao Chủ Tịch mặc áo quần vô.” Cô giáo ngạc nhiên và hăm hở trở lại toa xe lửa. Tức khắc ngay sau khi Mao tiếp xong viên bí thư tỉnh, cô giáo đã thuật lại chuyện tên nhân viên nghe lén những mẫu đối thoại của Mao với người khác.

Nghe xong chuyện mặc mày Mao tái lét. Ông ta chưa bao giờ nghĩ rằng chính bản thân y cũng bị nghe lén. Những lời tiết lộ của cô giáo quả thật làm Mao chấn động. Mao lập tức đòi Uông Ðông Hưng và cả hai đã họp kín suốt hơn một tiếng đồng hồ. Uông Ðông Hưng vừa mới được phục hồi chức vụ sau sáu năm lưu đày đã chối là y đã không biết gì về những dụng cụ nghe lén. Ngay khi bước ra khỏi phòng họp, Uông Ðông Hưng ra lịnh xe lửa chạy hết tốc lực trực chỉ Vũ Hán. Mặc dù Mao ra lịnh bắt giữ nhân viên kỹ thuật họ Liêu nhưng Uông Ðông Hưng vẫn chưa thực hiện việc đó vì theo y, tên kỹ thuật viên chẳng trốn thoát đi đâu được. Trong cuộc thẩm vấn, nhân viên kỹ thuật đổ lỗi cho Diệp Tử Long, còn y chỉ là nhân viên thừa hành mà thôi.

Khi xe lửa dừng lại ở Vũ Hán, tất cả dụng cụ nghe lén đều bị tháo gở`. Mao ra lịnh chụp hình tất cả máy móc, thiết bị vừa được khám phá. Khang Di Minh, phụ tá giám đốc về Văn Phòng Bí Thư, người đã làm việc dưới quyền Diệp Tử Long đã đến để thảo luận với Uông Ðông Hưng về vấn đề nầy. Họ Khang biết rằng chỉ thị để nghe lén Mao không thể từ Diệp Tử Long mà chắc chắn phải từ một cấp cao hơn. Khang Di Minh và Uông Ðông Hưng không muốn kéo các cấp trung ương vào chuyện nầy, cả hai, vì vậy, đã tìm cách giải thích cho Mao nghe một cách hợp tình hợp lý về lý do của việc gài máy móc nghe lén Mao. Uông Ðông Hưng đồng ý sẽ báo cáo Mao lý do chính là để cung cấp tư liệu cho lịch sử đảng.

Mối lo ngại nhất là sự đe dọa đối với quyền lực của Mao. Mao thường xuyên đi thăm viếng các cấp địa phương. Ðây là một chiến thuật, vừa để khắc phục tình trạng quan liêu trong hệ thống hành chánh, vừa để tạo nên sự liên lạc trực tiếp giữa Mao và các cấp lãnh đạo địa phương mà không lãnh tụ trung ương nào biết. Mao ra lịnh Uông Ðông Hưng lập tức thu hồi và đốt sạch tất cả băng ghi âm. Hàng loạt nhân viên đã bị sa thải như kết quả của việc nghe lén, trong đó bao gồm phụ tá của Diệp Tử Long là Khang Di Minh và viên thư ký họ Lưu. Chính Mao cũng không nghĩ là Diệp Tử Long đã ra lịnh ghi âm, theo Mao chỉ thị đó phải được truyền ra từ cấp cao nhất trong đảng.

Chúng tôi ở lại Vũ Hán một thời gian ngắn rồi lên đường đi Quảng Châu để tham dự hội nghị đảng về công tác chính trị. Tất cả các cấp lãnh đạo trung ương như Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ðức, Trần Vân đều sẽ có mặt. Mao nghi ngờ mọi thứ. An ninh trong khu vực được tăng cường chặt chẻ. Trong lúc nạn đói còn đang hoành hành, những bất đồng trong nội bộ đảng gia tăng, đảng Cộng Sản đang trong thời kỳ bất ổn.

Quảng Châu vẫn còn là một địa điểm khó khăn để bảo đảm an ninh vì khủng bố là một đe dọa thật sự. Xâm nhập từ Hương Cảng vào Quảng Châu tương đối dể dàng. Bí thư đảng tỉnh Quảng Ðông đã tỏ ra lo sợ và hồi hộp ngay sau khi chúng tôi đặt chân đến. Họ Ðào đã triệu tập một phiên họp quan trọng để bàn thảo về các biện pháp anh ninh. Tôi cũng tham dự phiên họp vì là người phụ trách sức khỏe cho các đại biểu. Cũng trong thời gian đó tôi nhận được cú điện khẩn cấp của một trong những y tá của Giang Thanh và cô ta đề nghị tôi phải có mặt tức khắc tại dinh thự mà Giang Thanh đang ở lại.

Sau đó tôi khám phá câu chuyện chỉ đơn giản là tối đêm đó, khi vừa bước nào hồ nước tắm cho các y tá của bà chuẩn bi, Giang Thanh bỗng hét to và phàn nàn lớn rằng các y tá của bà đà cố tình luộc sống bà bằng nước sôi. Giang Thanh cũng tố cáo ban y tá cố tình đầu độc bà ta bằng cách cho bà ta uống những liều thuốc ngủ khác thay vi những viên thuốc có màu đỏ như trước đây. Với tư cách là một cán bộ y tế cao cấp, tôi là người cuối cùng chịu trách nhiệm về những phàn nàn nầy.

Tôi cố gắng an ủi các cô y tá rằng tôi cũng đã biết chuyện nầy rồi. Tôi sẽ bảo vệ họ, nếu cần tôi sẽ trực tiếp báo cáo với Mao. Khi tôi bước vào để gặp vợ của Chủ Tịch. Giang Thanh vặn hỏi ngay sau khi tôi mới bước vào phòng. Tôi ngồi đối diện với bà ta và hỏi ngược “Chuyện gì vậy ?”. Giang Thanh kể lại câu chuyện cũng giống như chuyện mấy cô y tá đã kể tôi nghe trước đây. Tôi cố giải thích cho bà ta nghe rằng nước có thể quá nóng nhưng nhất định không thể là nước sôi. Giang Thanh không chịu, cho là tôi binh vực và bao che cho các cô các cô y tá. Bà ta cho gọi Uông Ðông Hưng, tôi cố tình gián đoạn cuộc điện đàm giữa bà ta và họ Uông để giải thích cho quan điểm của mình. Giang Thanh hét lớn “Câm miệng ngay, không được nói bất cứ chuyện gì cả.” Tôi bắt đầu nỗi nóng, đứng dậy “Ðủ rồi, tôi giả thiết đây là một phiên họp và ai cũng có quyền phát biểu. Nếu bà không muốn tôi nói thì không có lý do gì tôi phải ở lại đây.”

Tôi bước chung quanh vườn cố gắng để tự chế, và cuối cùng tôi nghĩ mình nên đi gặp Mao. Nhưng trước khi thực hiện ý định, cận vệ của Giang Thanh đã cho vời tôi vào gặp bà ta. Khi tôi bước vào Giang Thanh tuyên bố “Ông đã bị giải nhiệm”. Tôi đáp lại “tốt”, sau đó tôi rời chỗ ở của Giang Thanh để đi gặp Mao. Vừa trông thấy tôi, Mao theo thông lệ hỏi một câu quen thuộc “Có tin tức gì không ?”, tôi đáo “có, tin tức là bà Giang Thanh vừa bãi chức tôi.” Mao hít một hơi thuốc dài rồi lắng nghe câu chuyện tôi kể. Sau khi lắng nghe câu chuyện của tôi, rồi nói “Giang Thanh quả thật là vô lý. Ðừng lo tôi sẽ nói chuyện với Giang Thanh, nhớ đừng nói với ai chuyện nầy.”

Giang Thanh muốn tôi bị trừng phạt nhưng rõ ràng là Mao đã buộc bà ta phải làm hòa với tôi. Ngày sau, Giang Thanh gọi tôi vào phòng và nói “tôi biết Mao Chủ Tịch hoàn toàn tin tưởng vào khả năng y học của bác sĩ. Tôi phải thừa nhận là tôi thiếu kiên nhẫn. Thôi hãy quên chuyện nầy đi và cùng hướng về tương lai.”

Nguyên Tác Hoa Ngữ: Mao Trạch Ðông, Tư Nhân Bác Sĩ Hồi Ký Lục
Tác Giả: Dr. Li Zhisui (Bác Sĩ Lý Chí Thỏa)
Trần Trung Ðạo trích và lược dịch
Trí Việt trích đăng với sự đồng ý của dịch giả.

Leave A Reply

Your email address will not be published.