Alexis de Tocqueville và cuốn “De la démocratie en Amérique” (Chế độ dân chủ ở Mỹ)
Huỳnh Duy Lộc
Alexis de Tocqueville sinh năm 1805 tại Paris trong một gia đình quý tộc có gốc gác ở vùng Normandie, có quan điểm đối nghịch hoàn toàn với những người tiến hành cuộc Cách mạng năm 1789 ở Pháp.
Ông học luật và vào làm việc trong bộ máy tư pháp từ năm 22 tuổi. 4 năm sau, Chính phủ Pháp cử ông sang Mỹ để nghiên cứu bộ máy tư pháp, hệ thống nhà tù, và thời gian thăm viếng nhiều thành phố của Mỹ cũng là lúc ông thu thập tài liệu để viết “De la démocratie en Amérique” (Về chế độ dân chủ ở Mỹ), cuốn sách sẽ làm cho ông nổi tiếng. Tập 1 ra mắt năm 1835 và tập 2 ra mắt năm 1840.
Tác phẩm “De la démocratie en Amérique” phân tích hệ thống chính trị và xã hội Mỹ theo nhãn quan đi trước thời đại, chỉ ra những yếu kém của chế độ dân chủ, trong đó có cái mà ông gọi là “sự chuyên quyền của đám đông”, những bất cập của việc xâm chiếm thuộc địa và những tác hại của chế độ nô lệ. “De la démocratie en Amérique” ít gây chú ý khi được xuất bản tại Pháp, nhưng lại thành công vang dội tại Mỹ. Tuy nhiên phải đến giữa thế kỷ 20, tác phẩm này mới thoát khỏi sự quên lãng nhờ những phân tích của nhà xã hội học Raymond Aron chỉ rõ Alexis de Tocqueville là một trong những người đi tiên phong của xã hội học. Ông còn viết một cuốn sách thứ hai về Cách mạng Pháp với nhan đề “L’Ancien régime et la Révolution” (Chế độ cũ và Cách mạng).
Ông lao vào hoạt động chính trị, được bầu làm dân biểu của vùng Manche vào năm 1839 rồi làm việc ở Bộ Tư pháp dưới nền Đệ nhị Cộng hòa. Ông cũng đưọc bầu vào Viện Hàn lâm Pháp vào năm 1841. Ông mất tại thành phố Cannes vào năm 1859, trong thời gian đến đây tịnh dưỡng sau khi bị bệnh lao.
Nhà xã hội học Raymond Aron đã phân tích những ý tưởng về chế độ dân chủ của Alexis de Tocqueville trong “Les étapes de la pensée sociologique”, giáo trình xã hội học của ông ở Đại học Sorbonne (Paris): “Cuốn sách về nước Mỹ trả lời câu hỏi: Tại sao ở nước Mỹ, xã hội dân chủ là một xã hội tự do? Cuốn sách về chế độ quân chủ và Cách mạng 1789 ở Pháp trả lời câu hỏi: Vì sao nước Pháp gặp nhiều khó khăn trong việc giữ vững tự do chính trị trong tiến trình hình thành chế độ dân chủ? Alexis de Tocqueville hiểu thế nào là chế độ dân chủ? Nhiều khi ông dùng chữ “dân chủ” để chỉ một hình thái xã hội thay vì một hình thái quyền lực.
Một đoạn trong cuốn “Chế độ dân chủ ở Mỹ” cho chúng ta thấy ông quan niệm như thế nào về chế độ dân chủ: “Nếu như bạn thấy cần hướng hoạt động tinh thần và đạo đức của con người vào những nhu cầu của đời sống vật chất và dùng nó để mang lại hạnh phúc; nếu như bạn thấy lý trí có ích cho con người hơn là thiên tài; nếu như mục tiêu của bạn không phải là những phẩm chất anh hùng mà là những tập quán ôn hòa; nếu như bạn muốn thấy những thói tật hơn là những tội ác và không muốn thấy nhiều hành động cao cả cũng như những hành động xấu xa; nếu như bạn muốn sống trong một xã hội phồn thịnh hơn là hành động trong một xã hội sáng chói và cuối cùng là nếu như, theo bạn, mục tiêu chủ yếu của chính quyền không phải là đem lại cho toàn thể quốc gia nhiều sức mạnh hơn hay nhiều vinh quang hơn, mà là mang lại cho mỗi người nhiều hạnh phúc hơn và tránh được mọi nỗi bất hạnh thì bạn hãy làm cho mọi điều kiện ngang bằng nhau và thành lập chính quyền của chế độ dân chủ (égalisez les conditions et constituez le gouvernement de la démocratie) (De la démocratie en Amérique, tập 1, tr. 256).
Theo Alexis de Tocqueville, chế độ dân chủ là chế độ có sự bình đẳng về điều kiện sinh hoạt. Một xã hội dân chủ là một xã hội không còn phân biệt những đẳng cấp và những giai cấp, trong đó mọi cá nhân làm nên tập thể hoàn toàn bình đẳng về mặt xã hội dủ rằng sự bình đẳng này không có nghĩa là sự bình đẳng về phương diện trí tuệ – điều không thể nào có được – hay sự bình đẳng về kinh tế – điều Alexis de Tocqueville cũng cho là không thể nào có được. Sự bình đẳng về mặt xã hội chỉ có nghĩa là không có những khác biệt về điều kiện do thừa kế và mọi công việc, mọi nghề nghiệp, mọi phẩm giá và mọi vinh quang đều dành cho mọi người. Chế độ dân chủ bao hàm cả ý niệm bình đẳng về mặt xã hội và xu hướng đồng nhất những lối sống và mức sống. Nếu như đó là bản chất của chế độ dân chủ thì chính quyền tương thích với một xã hội công bằng sẽ là chính quyền mà Alexis de Tocqueville gọi là chính quyền dân chủ.
Ở đây, người ta lại thấy quan điểm của Montesquieu và những tác giả cổ điển: nếu như quyền làm chủ ở trong tay mọi thành viên của xã hội thì sự tham gia của mọi người vào việc lựa chọn những người cầm quyền và việc thực thi quyền lực sẽ là biểu hiện hợp lý của một xã hội dân chủ hay công bằng…” (Les étapes de la pensée sociologique, Raymond Aron, tr. 224, 225)