ĐH Harvard giàu có hơn 120 quốc gia trên thế giới

TVN

0 161

Theo báo cáo tài chính gần đây nhất từ quỹ tài trợ của Đại học Harvard (trụ sở tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ), khoản tài trợ họ nhận được trong năm tài chính 2023 ở mức 50,7 tỉ USD, nhiều hơn GDP của hơn 120 quốc gia và tiếp tục là trường giàu nhất trong số các trường đại học Mỹ và trên thế giới.

Trước đó, năm 2022, trường thu về 50,9 tỉ USD và năm 2021 thu 53,2 tỉ USD, theo Trung tâm Thống kê giáo dục quốc gia.

Cũng như nhiều trường đại học khác, Harvard xây dựng nguồn tài trợ của mình thông qua hai con đường: quyên góp và lãi đầu tư.

Từ nguồn tài trợ, trường chi cho các hoạt động và hỗ trợ tài chính cho sinh viên.

Trong báo cáo tài chính gần đây nhất, Hiệu trưởng Harvard Claudine Gay cho hay trường đã dành hơn 850 triệu USD/năm hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Sinh viên từ các gia đình có thu nhập hằng năm dưới 85.000 USD được trường tài trợ hoàn toàn.

Những hỗ trợ như vậy chắc chắn sẽ cần thiết đối với những gia đình có thu nhập thấp, vì học phí và lệ phí cho năm học hiện tại ở mức 79.450 USD.

Để so sánh, chi phí để theo học tại Harvard năm 1975 là khoảng 5.350 USD (quy đổi ra ngày nay là 30.000 USD), theo Business Insider. Điều này cho thấy học phí của Harvard đã tăng nhanh hơn nhiều so với lạm phát.

Và không chỉ Harvard, ở rất nhiều trường, học phí đã tăng cao hơn lạm phát.

Những thông tin xấu

– Vào đầu tháng 11, tờ New York Post đưa tin Đại học Harvard vừa chuẩn bị ‘danh sách Z’ dành cho ứng viên có thành tích học kém nhưng là con của nhà tài trợ lớn hoặc người có sức ảnh hưởng trong xã hội.

Những sinh viên trong ‘danh sách Z’ được khuyên sẽ ứng tuyển sau khi nghỉ 1 năm. Khi đó, họ sẽ trở thành ‘bóng ma dữ liệu’, vì kết quả học kém nên không nằm trong danh sách báo cáo dành cho sinh viên năm nhất của trường. Theo cách làm này, thứ hạng của Đại học Harvard trên thế giới không bị ảnh hưởng.

Bà Brian Taylor – đối tác chiến lược của công ty tư vấn giáo dục Ivy Coach (ở Manhattan, Mỹ), tiết lộ: “Đại học Harvard không muốn những sinh viên này ảnh hưởng đến thứ hạng của US News và World Report vì điểm GPA, nên sẽ gửi qua ‘danh sách Z’. Hiểu đơn giản, danh sách này là sinh viên không đủ năng lực được nhận vào trường”.

– Gần đây, Harvard và các trường ưu tú khác cũng đã bị chỉ trích gay gắt về cách họ xử lý các cuộc biểu tình của sinh viên liên quan đến xung đột giữa Israel và Hamas, theo Đài CBS News.

Trong đó, một số cựu sinh viên đe dọa rút số tiền quyên góp lớn. Đó không phải là lời đe dọa vu vơ.

Hiệu trưởng Đại học Pennsylvania, Liz Magill, đã phải từ chức sau lời khai trong phiên điều trần trước Quốc hội về chủ nghĩa bài Do Thái trong khuôn viên trường. Sự việc này diễn ra chỉ vài ngày sau khi nhà quản lý quỹ đầu tư Ross Stevens – tốt nghiệp Trường kinh doanh Wharton của Pennsylvania – đe dọa rút khoản quyên góp 100 triệu USD.

Đại học Harvard hôm 12-12 cho biết hiệu trưởng Claudine Gay, người cũng trở thành tâm điểm trong cuộc tranh cãi, sẽ tại vị sau khi nhận được sự hỗ trợ từ hội đồng quản trị và hàng trăm giảng viên.

Tuy nhiên, bà Gay có thể sẽ phải đối mặt với áp lực liên tục trong và ngoài khuôn viên trường khi cuộc xung đột ở Gaza tiếp tục diễn ra.

Leave A Reply

Your email address will not be published.