Xứ Trầm Hương- Tại sao có tên Hang Ông Bưởi?

Quách Tấn

0 367

HANG ÔNG BƯỞI

Tại sao có tên như thế?

Tại vì buổi đầu nhà Nguyễn Trung hưng, có một nhà sư đến tu nơi hang, quê quán nơi đâu, danh tánh là gì, không một ai biết rõ. Nhân thấy quanh năm chỉ ăn bưởi thay cơm, nên gọi là Ông Bưởi.

Truyền rằng:

Ông Bưởi đến hang ở với một con hổ mun và một con vượn trắng. Cách tu hành khác hẳn với các sư sãi nơi chùa chiền. Không kệ không kinh, không mõ chuông, không tràng hạt, mai chiều ngồi im lìm trên đá tham thiền. Con vượn đứng hầu bên cạnh, con hổ nằm canh trước miệng hang.

Mỗi ngày nhà sư chỉ thọ trai vào đúng ngọ. Thức ăn là một tép bưởi do con vượn trắng cúng dường.

Thường thường ít ra khỏi hang. Thỉnh thoảng có vân du thì cỡi hổ mà đi, nhẹ nhàng như mây gió.

Ban đêm trong hang tỏa sáng, xa trông gió mát như ánh trăng. Người thì cho rằng Ông Bưởi tu hành đắc đạo, nên thân phát hào quang. Nhiều người lại quả quyết cho rằng hào quang kia là do boọ nút bằng dạ minh châu nơi áo cà sa của Ông Bưởi phát hiện. Ai cũg cho mình đúng nhưng sợ cọp, không ai dám đến tìm sự thật nơi hang.

Nghe đồn ông Bưởi có dạ minh châu, một bọn côn đò quyết tâm chiếm đoạt. Một hôm chúng rình thấy hổ và vượn vào rừng hái trái, bèn kéo nhau vào hang. Hang đá trống không và thân ông Bưởi chỉ choàng một tấm vải nâu không đường may cũng không thấy nút. Thấy ông Bưởi ngồi như một pho tượng, gọi không đáp hỏi không thưa, một tên lấy tay thọc lét. Nhưng tay vừa để vào nách thì vội thụt ra ngay, vì lạnh rợn mình như rờ vào thây người chết. Tên thứ hai lấy chân đạp mạnh: thân nhà sư vẫn ngồi trơ. Cả bọn xúm nhau xô, nhưng ráng đã hết sức, vẫn không xê dịch được mảy may. Một tên nổi khùng, rút dao đâm mạnh vào bắp vế. Lưỡi dao lút quá nửa, nhưng ông bưởi dường như không biết không hay. Chúng vừa muốn giở thêm trò, nhưng con dao găm vụt bắn ra, cắm sâu vào vách đá. Đồng thời một vòi máu nóng từ nơi vết thương phun mạnh vào mặt bọn bất lương. Chúng thất đảm xô lấn nhau chạy mất. Từ ấy không ai dám đến gần hang.

Ông Bưởi ở tu nơi hang ngót chín mười năm trời. Những khi dân trong hạt bị cơ cẩn hoặc bị bệnh thiên thời, ông Bưởi thường đem gạo, thuốc đặt nơi ngã ba đường để cứu trợ.

Vì vậy nhân dân địa phương xem ông Bưởi như vị Phật sống. Nhnwg vì không dám đến gần, nên nhiều người buổi mai buổi chiều, đốt hương vọng về hang mà đảnh lễ.

Quan cai trịnghi rằng ông Bưởi có tà thuật. Lại thấy đồng bào mỗi ngày mỗi thêm sùng bái, sợ lâu sanh biến, nên ra lệnh trục xuất khỏi địa phương. Nhưng lệnh không được thi hành, quan liền kéo quân đến vây bắt.

Quân lính đến gần miệng hang, thì hổ gầm như sấm dậy, vượn hú lên nghe rợn mình, không ai có gan bước tới. Một tên lính già thiết kế:

– Dùng hỏa công.

Thế là củi chất quanh hang. Rồi lửa bừng cháy rật rật. Ai cũng tưởng ông Bưởi cung vượn hổ phải chết thui. Kẻ gian ác lấy làm thỏa lòng. Người lương thiện sụt sùi khóc. Không ngờ ngọn lửa đang lên cao ngất, bỗng rẽ làm hai: ông Bưởi cỡi hổ, dắt vượn, từ trong hang núi ung dung đi ra, rồi vụt chạy thẳng lên núi. Mây bay gió cuốn, chỉ trong khoảnh khắc đi mất tăm.

Không ai biết ông Bưởi đi đâu.

Và từ ấy hang bỏ vắng.

Hang ông Bưởi – cũng thường gọi là động ông Bưởi, hay chùa ông Bưởi – không vĩ đại, cũng không kỳ mỹ, như động Hương Tích, động Huyền Không.

Hai chỉ cao rộng vừa một người đi thẳng lưng, và chạy dài chừng mười lăm hai mươi bước. Nền có phần bằng phẳng, nhưng vách hô hê hốc hỉu, chỗ lõm chỗ lồi, chớ không trơn liền và ngay ngắn. Và mái là một tảng đá rộng lớn phẳng phiu, nằm ngang trên vách đá.

Miệng hang trở về hướng Đông.

Lòng hang mát mẻ và sáng sủa, vì cửa hang rộng và đầu hang phía Tây có kẻ hở để lách mình ra vô.

Cảnh tuy không lấy gì làm đẹp mắt, song nếu đến hang nhằm trưa mùa hạ và chơi cho đến chiều tối, thì hưởng được nhiều thú vị thanh tao.

Ở ngoài trời thì nắng chang chang, mà trong hang không hề có chút nóng, lúc nào cũng có gió biển thổi lồng, nhưng chỉ hiu hiu vừa đủ mát.

Tứ bề im lặng, không một tiếng khuyển, không một bóng người. Tiếng chim trên non, từ xa đưa lại, trong nơi thanh vắng, giọng nhẹ cao vút và trong veo. Thỉnh thoảng mùi hoa rừng bay theo gió, có đó rồi liền không.

Rồi khi mặt trời đã về non, leo lên nóc hang mà thưởng cảnh.

Nóc hang, đúng hơn nên gọi là mái hang, là một sân đá vừa bằng vừa rộng, giống như cái sân thượng một nhà lầu. Trước mặt, sông Nha Trang như con bạch long uốn khúc; và cồn dừa bãi cỏ nối liền những đám cây với nhà cửa ẩn hiện, thành một bức tường màu xanh mở rộng điểm thêm những nét xám nét đỏ rung rinh vì những làn khói nhẹ bay qua. Và cửa biển Nha Trang ở phía Đông phản chiếu ánh trời hôm, sáng trưng như một hồ thủy ngân vĩ đại.

Khí trời đã nhá nhem tối, sóc và kỳ nhông kéo ra từng bầy. Nhiều con lớn bằng cổ vế. Trông thấy bóng người, ban đầu sợ chạy trốn, nhưng rồi thấy người không có ác ý, chúng kéo nhau trở lại, ra sân đá nhảy giỡn tự nhiên.

Nếu trời có trăng thì có thể ở chơi cho đến khuya để thưởng thức cảnh “yên lung hàn thủy nguyệt lung sa” trong thơ Đường thể hiện.

Năm Kỷ Mão (1939), vào khoảng thượng tuần tháng 5, một nhà thơ đến viếng hang ông Bưởi có để lại một luật rằng:

Vách đá cheo leo chắn bợn trần,

Tình riêng với cảnh với giai nhân,

Gió lồng cửa động không trời hạ,

Trăng vẽ mày ai sắc nước xuân.

Đạo hạnh xưa thầy riêng một cõi.

Phong lưu nay tớ vẹn mười phân.

Nhắn cùng anh chị yêu non nước,

Đây của mình đây chớ ngại ngần.

Gần đây, không biết vì mến danh ông Bưởi hay muốn mượn danh ông Bưởi để quyến rũ khách thập phương, một am thờ Phật dựng trước cửa hang, khiến cảnh thiên nhiên bị giảm sắc đi nhiều lắm!

Do đó, Trường Xuyên có mấy vần cảm tác:

Mây qua ráng lại chẳng ngăn ngừa,

Mượn cửa am rào nẻo đón đưa!

Sắc gấm dẫu lồng thơ vách đá,

Bụi đời e nhiễm gió ban trưa.

Thăm thầy viếng cảnh chi thêm bận,

Tránh nắng than sương nghĩ cũng thừa!

Đành gởi nhớ thương chương ký ức,

Nghìn sau khỏi nhạt mối tình xưa.

Cách hang Ông Bưởi chừng bảy, tám cây số về phía Bắc, tại ấp Lương Sơn, quận Vĩnh Xương, còn một hang đá nữa, phong cảnh cũng đáng yêu. Đó là:

HANG ÔNG GIÀ

Hang nằm phái Nam Bãi Miếu trên gành đá Bàn Than.

Hang ăn sâu vào gành. Miệng rộng chừng 5, 6 thước. Từ ngoài vào trong dài trên 10 thước. Một nửa ngập dưới nước. Xuồng có thể ra vào dễ dàng.

Nơi vách cuối hang có một hóc nhỏ, sâu chừng hai thước. Rong rêu mọc tua tủa. Đứng ngoài miệng hang trông vào, giống như hình một ông già râu dài đứng bên cạnh một đứa cháu gái bỏ tóc xõa.

Hang do đó mà mệnh danh.

Cảnh trong hang trông đã kỳ. Cảnh ngoài hang nhìn cũng rất thú.

Hang ngó xuống vịnh Nha Phu. Phía Bắc có núi Phước Hà, phía Nam có núi Rù Rỳ, làm hai cánh cửa che gió. Mặt nước bị thu hẹp không làm cho mắt chơi vơi giữa cảnh mênh mông bát ngát của thương hải.

Gành Bàn Than, đá mọc lởm chởm, chỗ thấp chỗ cao, nơi lồi nơi thủng, chạy từ Lương Sơn đến Rù Rỳ. Chân, sóng vãi trắng chầm chậm.

Gành và bãi nhờ hang mà được khách du quan ghé mắt. Nhưng nếu không gành không bãi thì hang không đủ sức cầm chân khách được lâu.

Cho nên phải có ba mới đủ bộ vậy.

Theo Quách Tấn (trích Xứ Trầm Hương)

Leave A Reply

Your email address will not be published.